Vietstock - Phương thức thanh toán nhờ thu: Rủi ro khó lường
Việc các doanh nghiệp kinh doanh hạt điều Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu 100 container hạt điều sang Ý, trị giá hàng ngàn tỉ đồng, sau đó nghi bị lừa đảo gây rúng động cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong những ngày vừa qua…
Thông tin trên báo chí cho biết phương thức thanh toán mà các doanh nghiệp này lựa chọn là phương thức thanh toán nhờ thu (collection of payment). Đây là phương thức thanh toán mang đến nhiều rủi ro cho người bán, tuy nhiên, rất đáng tiếc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện nay vẫn lựa chọn phương thức thanh toán này.
Biết rủi ro nhưng vẫn nhắm mắt làm liều?
Phương thức thanh toán nhờ thu là một trong những phương thức thanh toán quốc tế theo đó người bán (doanh nghiệp xuất khẩu) xuất hàng và gửi bộ chứng từ thương mại, chứng từ tài chính nhờ ngân hàng thu tiền hộ. Có hai hình thức nhờ thu là: Thanh toán để nhận chứng từ (DP) (Documents against Payment) hoặc Chấp nhận thanh toán để nhận chứng từ (DA) (Documents against Acceptance).
Đối với phương thức thanh toán DP, người mua (doanh nghiệp nhập khẩu) phải thanh toán tiền hàng cho ngân hàng nhờ thu trước khi nhận bộ chứng từ. Người mua có thể trả ngay hoặc thanh toán sau một thời gian cụ thể tùy theo thỏa thuận giữa người bán và người mua. Ngược lại, với phương thức thanh toán DA, người mua chỉ cần ký chấp nhận hối phiếu và sẽ thanh toán sau một thời gian cụ thể được quy định trong hợp đồng.
Nhìn chung cả hai hình thức này đều tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bỏ qua yếu tố lừa đảo, rủi ro lớn nhất mà các doanh nghiệp xuất khẩu phải gánh chịu là người mua từ chối nhận hàng. Sau khi hàng đến cảng nếu người mua bị phá sản hoặc giá cả mặt hàng đó trên thị trường giảm, người mua có thể sẽ từ chối nhận hàng. Khi đó, người bán buộc phải thuê phương tiện vận tải chở hàng về lại nước xuất khẩu hoặc tìm đối tác khác bán rẻ, bán đấu giá để thu hồi vốn. Việc thuê phương tiện vận tải chở hàng về nước không dễ dàng vì chi phí vận tải thường rất lớn. Tương tự, việc tìm đối tác để bán lại hàng hóa hoặc tổ chức bán đấu giá phải qua nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian và đương nhiên thiệt hại cũng không hề nhỏ.
Các doanh nghiệp xuất khẩu nên dùng phương thức thanh toán bằng thư tín dụng (L/C) khi giao dịch với các khách hàng lần đầu hoặc thiếu thông tin về doanh nghiệp nhập khẩu. |
Một rủi ro khác là nếu trong hợp đồng cho phép thanh toán chậm, người mua sẵn sàng ký chấp nhận thanh toán, chấp nhận hối phiếu để có bộ chứng từ đem đi nhận hàng nhưng chây ì hoặc từ chối nghĩa vụ thanh toán khi đến hạn. Với bộ chứng từ trong tay, người mua có thể nhận hàng từ doanh nghiệp vận tải và toàn quyền định đoạt, sử dụng hàng hóa. Có thể trong hợp đồng thương mại các doanh nghiệp xuất khẩu đã có ràng buộc sẽ đưa các trường hợp tranh chấp như thế này ra trung tâm trọng tài quốc tế hoặc tòa án để phân xử. Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính yếu, kinh nghiệm tranh chấp quốc tế không có thì những ràng buộc này cũng chỉ mang tính hình thức mà thôi.
Câu chuyện ở đây là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam được cảnh báo hoặc biết rõ những rủi ro khi chấp nhận phương thức thanh toán nhờ thu mà vẫn nhắm mắt làm liều? Có thể thấy vấn đề nằm ở chỗ họ được người mua mồi chài, chấp nhận trả giá cao hơn thị trường, điều kiện hợp đồng quy định về chất lượng sản phẩm dễ dãi. Cũng có thể doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm nên khi có người mua hàng thì họ nhanh chóng ký hợp đồng mà bỏ qua những rủi ro được cảnh báo về phương thức thanh toán này. Cũng không loại trừ người bán quá tin tưởng vào người mua hoặc không hiểu rõ, không lường trước được những rủi ro mà họ có thể gặp phải.
Hãy tự bảo vệ mình trước khi trời cứu
Một trong những phương thức thanh toán mà phần lớn các chuyên gia khuyên các doanh nghiệp xuất khẩu nên dùng khi giao dịch với các khách hàng lần đầu hoặc thiếu thông tin về doanh nghiệp nhập khẩu đó là… phương thức thanh toán bằng thư tín dụng (L/C). Đây là phương thức thanh toán an toàn, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Sử dụng phương thức thanh toán này người bán được ngân hàng đảm bảo khả năng thanh toán khi xuất trình bộ chứng từ sạch, hợp lệ. Thông thường khi mở L/C người mua bắt buộc phải ký quỹ bằng 100% vốn tự có hoặc vốn vay nên nguồn vốn thanh toán sẽ được ngân hàng đảm bảo khi đến hạn. Nếu xét thấy ngân hàng người mua hoặc người mua chưa đủ uy tín, người bán có thể yêu cầu mở L/C ở một ngân hàng hạng nhất hoặc yêu cầu thư tín dụng không được hủy ngang (Irrevocable), được xác nhận (Confirmed). Nếu người mua không chấp nhận thanh toán theo phương thức L/C thì doanh nghiệp cũng nên dứt khoát không ký hợp đồng để loại trừ các rủi ro về sau.
Bên cạnh đó, hiện nay các cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài đều có hệ thống tham tán thương mại. Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại thì các cơ quan tham tán thương mại này sẽ là cánh tay nối dài giúp các doanh nghiệp trong nước kiểm tra thông tin các đối tác ở nước sở tại trước khi doanh nghiệp quyết định ký hợp đồng. Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể đề nghị các cơ quan tham tán thương mại tìm kiến thông tin về giấy phép kinh doanh, năng lực tài chính, các vấn đề pháp lý của người mua… Đây là kênh thông tin hữu hiệu vì các cơ quan tham tán thương mại có đủ điều kiện để liên hệ các cơ quan chức năng của nước sở tại nắm bắt các thông tin cần thiết về doanh nghiệp nhập khẩu. Rất tiếc là hiện rất ít doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng kênh thông tin này.
Nếu doanh nghiệp xuất khẩu đã tìm hiểu đầy đủ thông tin về người mua và vẫn quyết định chấp nhận phương thức thanh toán nhờ thu đổi chứng từ thì nên ràng buộc trong hợp đồng và yêu cầu người mua phải tạm ứng (down payment) tối thiểu 20-30% giá trị hợp đồng trước khi xuất hàng để đảm bảo người mua không từ chối nhận hàng hoặc nếu tình huống xấu nhất người mua từ chối nhận hàng hoặc chây ì, từ chối nghĩa vụ thanh toán thì doanh nghiệp cũng sẽ hạn chế được phần nào thiệt hại xảy ra.
Một lưu ý nữa là các doanh nghiệp khi ký hợp đồng thương mại thường bỏ qua hoặc xem nhẹ điều khoản pháp lý khi xảy ra tranh chấp. Thông thường các doanh nghiệp nhập khẩu thường chọn tòa án hoặc trọng tài tại quốc gia của mình đóng trụ sở để đưa tranh chấp ra phân xử. Điều này sẽ khiến cho họ ít nhiều có lợi thế trong quá trình phân xử, trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam lại không có đủ tiềm lực tài chính và kiến thức pháp lý để theo đuổi vụ kiện. Tốt nhất là nên đàm phán các tranh chấp hợp đồng phải được phân xử ở Việt Nam, tuy rằng điều này khó thực hiện. Nếu không, hai bên có thể chọn một quốc gia/vùng lãnh thổ trung gian, thông thường là Singapore hoặc Hồng Kông là các quốc gia/vùng lãnh thổ lân cận Việt Nam để đưa các tranh chấp ra phân xử. Như vậy thì các doanh nghiệp Việt Nam mới có điều kiện theo đuổi các tranh chấp pháp lý.
TS. Võ Duy Nghi