Vietstock - Phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để giảm khó khăn
Việc điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp cũng là vấn đề cần được đặt ra trong năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
|
Dịch COVID-19 dự kiến vẫn còn kéo dài và sẽ có những ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước cũng như chi ngân sách cho phòng chống dịch.
Cùng với đó, việc điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp cũng là vấn đề cần được đặt ra trong năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này.
- Năm 2022, dự kiến dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể kéo dài, Bộ Tài chính đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền bố trí nguồn lực phòng, chống COVID-19 như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Theo các chuyên gia dự báo, trong năm 2022, dịch COVID-19 có thể tiếp tục kéo dài, nguy cơ xuất hiện biến thể mới, phức tạp và nguy hiểm hơn; vaccine và thuốc điều trị có thể tiếp tục khan hiếm. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội bố trí 10 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên thuộc lĩnh vực y tế từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 cho phòng chống dịch COVID-19.
Đồng thời bố trí 20,5 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách Trung ương (khoảng 2,5% tổng chi ngân sách Trung ương), tăng 3.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2021 và 1,7 nghìn tỷ đồng chi dự trữ quốc gia, tăng 500 tỷ đồng so với dự toán năm 2021 để chủ động nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ trọng yếu khác.
Ngoài ra, trong năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung 14,62 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm, cắt giảm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 cho dự phòng ngân sách Trung ương để chi cho phòng chống dịch COVID-19; trường hợp chưa sử dụng hết, số kinh phí còn lại được chuyển nguồn sang năm 2022 tiếp tục sử dụng, tiếp tục duy trì quỹ vaccine để mua vaccine phòng chống dịch.
Trong quá trình điều hành ngân sách, tùy theo tình hình diễn biến dịch bệnh phát sinh, Bộ Tài chính sẽ sử dụng các nguồn lực ngân sách Trung ương nêu trên, kết hợp với các nguồn dự phòng, dự trữ tài chính, các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương để đảm bảo các nhu cầu phát sinh.
Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính sẽ trình cấp thẩm quyền rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chậm phân bổ, chậm thực hiện trong năm, lùi, giãn, hoãn các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết... của các cấp ngân sách để ưu tiên cho phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội.
- Bối cảnh dịch bệnh chưa từng có tiền lệ diễn ra suốt gần 2 năm qua đã đặt ra yêu cầu đặc biệt quan trọng trong việc phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Yêu cầu phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô là yêu cầu cơ bản trong quản lý, điều hành nền kinh tế; đặc biệt là trong điều kiện có các biến động lớn trong, ngoài nước.
Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, tác động sâu và nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới và trong nước, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, việc gắn kết chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ càng được đề cao hơn bao giờ hết, góp phần điều hành linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo nguồn lực phòng chống dịch, an sinh xã hội, hỗ trợ tiết giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, duy trì ổn định vĩ mô, góp phần quan trọng vào các thành quả đạt được của nền kinh tế. Điều này được thể hiện qua một số điểm.
Đầu tiên phải kể đến sự phối hợp đồng bộ để giảm khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân.
Ở góc độ chính sách tài khóa, đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các khoản thu ngân sách Nhà nước khác để giúp doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh tiết giảm chi phí, có thêm nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng đã được thực hiện đồng bộ, để giảm chi phí cho các doanh nghiệp, người dân; trong đó có giảm lãi suất, giữ nhóm nợ, cho vay chính sách để trả lương ngừng việc đối với người lao động và hỗ trợ người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch...; định hướng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...
Tiếp theo là sự phối hợp trong đảm bảo an sinh xã hội và phòng dịch COVID-19.
Theo các Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, chính sách tài khóa đã hỗ trợ người lao động, người dân thông qua chi trực tiếp tiền mặt.
Trong khi đó, theo Nghị quyết 68/NQ-CP, chính sách tiền tệ đã hỗ trợ gián tiếp cho người sử dụng lao động, người lao động thông qua chính sách cho vay trả lương, phục hồi sản xuất...
Cùng với các kết quả cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, nợ công và việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá phù hợp, đã phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, đảm bảo huy động nguồn lực lớn cho ngân sách Nhà nước và cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, giảm mạnh mặt bằng lãi suất (từ mức lãi suất phát hành bình quân 6,5% năm 2016 xuống 2,86% năm 2020), kéo dài kỳ hạn nợ (từ kỳ hạn phát hành bình quân là 8,7 năm vào năm 2016 lên 13,9 năm vào năm 2020) để thực hiện các nhiệm vụ chi phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của nhà nước, thúc đẩy đầu tư tư nhân; là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá...
Cuối cùng phải nói tới là phối hợp chặt chẽ trong quản lý cung-cầu tiền tệ, kiểm soát giá cả.
Việc thực hiện quản lý tập trung tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại về tài khoản tổng hợp của Kho bạc Nhà nước tại Trung ương không chỉ giúp Kho bạc Nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ và năng lực quản trị dòng tiền, mà còn giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát dòng tiền, điều hành cung-cầu tiền tệ hiệu quả hơn.
Trong điều hành, thường xuyên trao đổi thông tin theo dõi và đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, biến động thị trường (chứng khoán, tiền tệ, ngoại hối...), tình hình giá cả thế giới và trong nước. Với thực trạng nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, công tác quản lý, điều hành giá cả đã được điều chỉnh phù hợp, giảm giá điện, giá nước sạch sinh hoạt, không tăng giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục đào tạo (học phí); giảm giá dịch vụ hàng không, dịch vụ chứng khoán... nhằm kiểm soát, giảm áp lực tăng giá...
Nhờ đó, không chỉ đảm bảo thực hiện được các mục tiêu ổn định giá cả, huy động được nguồn lực hợp lý cho ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, mà còn hỗ trợ người dân, người lao động khó khăn, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, chủ thể kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô. Đây cũng là điểm sáng, được nhân dân ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong thời gian qua.
Trong thời gian tới, yêu cầu phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, linh hoạt giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đòi hỏi ở mức cấp thiết hơn nhằm hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ không còn dồi dào như những năm trước đây.
(Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
|
- Xin Bộ trưởng cho biết đâu là những khó khăn, thách thức đối với ngành tài chính trong thời gian tới và giải pháp của ngành là gì?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Dự kiến diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới còn phức tạp, trong bối cảnh đó, khó khăn, thách thức đặt ra với ngành tài chính trong thời gian tới chính là quyết liệt thực hiện thành công các mục tiêu cân đối nguồn lực ngân sách cho các nhiệm vụ phòng, chống dịch, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo mức bội chi ngân sách hợp lý, giữ vững an toàn nợ công, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Để vượt qua khó khăn, thách thức nêu trên, chúng tôi xác định một số ưu tiên cần tập trung triển khai thực hiện trong giai đoạn tới là bám sát diễn biến và tác động của dịch COVID-19, tình hình kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế, kịp thời đề xuất các giải pháp điều hành thu, chi ngân sách phù hợp; tổ chức thực hiện thành công các giải pháp tài khóa và phối hợp chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả với chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo phê duyệt của cấp thẩm quyền. Đây là ưu tiên trước mắt của nền kinh tế cũng như của ngành tài chính.
Thứ hai, tập trung thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử, áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2022; tăng cường thực hiện tài chính số… tạo môi trường thuận lợi, giảm chi phí, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Đồng thời, tăng cường quản lý thu, nhất là thu hoạt động thương mại điện tử, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Cùng với đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, đảm bảo nguồn thu ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách, trọng yếu, chi đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế.
Thứ ba, quản lý chi cho ngân sách nhà nước hiệu quả, chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ, chính sách cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; các chính sách an sinh xã hội; các đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội... Kiên quyết cắt giảm những khoản chi thường xuyên ngân sách đã được giao trong dự toán đầu năm, nhưng chưa thực hiện phân bổ theo quy định.
Thứ tư, tiếp tục rà soát, để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính - ngân sách... đảm bảo thống nhất, minh bạch; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước để đổi mới cơ chế phân cấp cho ngân sách Nhà nước, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương và các cơ quan, đơn vị.
Đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế và các quy định liên quan để mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn nguồn thu, bao quát khu vực kinh tế phi chính thức, các hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số...
Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, nợ công, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn vay; chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của pháp luật; đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công; an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Thứ sáu, quản lý các thị trường tài chính, chứng khoán phát triển ổn định, an toàn phát huy hiệu quả vai trò huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và cho nền kinh tế; tiếp tục mở cửa theo lộ trình cam kết...
Cuối cùng là nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý tài chính; tổ chức sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử, chính phủ số ở các hệ thống cơ quan quản lý tài chính công trọng yếu. Mặt khác, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước; phòng chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh các vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Thùy Dương