Vietstock - Áp lực giải ngân vốn đầu tư công rất lớn trong năm 2023
Năm 2023, kế hoạch đầu tư công được Quốc hội thông qua có tổng vốn hơn 782.000 tỉ đồng, tăng khoảng 13,7% so với kế hoạch năm ngoái.
Năm 2023, kế hoạch đầu tư công được Quốc hội thông qua có tổng vốn hơn 782.000 tỉ đồng, trong đó vốn dành cho chương trình phục hồi kinh tế là 127.000 tỉ đồng.
Vốn đầu tư công 2023 tăng mạnh
Công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng năm nay, áp lực giải ngân vốn đầu tư công là rất lớn, chưa kể đến phần vốn chưa thực hiện từ năm 2022 chuyển sang.
Năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công là hơn 782.000 tỉ đồng, tăng 13,7% so với kế hoạch năm 2022, trong đó, vốn của chương trình phục hồi kinh tế là 127.000 tỉ đồng.
Điểm mới trong kế hoạch giao vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2023 đó là ưu tiên dự án thuộc chương trình phục hồi kinh tế và xem xét miễn nhiệm cán bộ các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công 2 năm liên tiếp (tỉ lệ tối thiểu là 90% kế hoạch được giao). Đây có thể là hai động lực thúc đẩy tốc độ giải ngân đầu tư công năm 2023 bên cạnh việc hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm.
Nhiều năm qua giải ngân vốn đầu tư công vẫn ì ạch
Theo Bộ Tài chính, ước tính tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỉ lệ giải ngân đạt 75,11%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (77,30%).
Chính phủ nhiều năm nay đã rất nỗ lực tìm nhiều biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, việc giải ngân không chỉ năm 2022 mà từ năm 2017 đến nay vẫn rất bấp bênh. Tỉ lệ giải ngân đầu tư công qua các năm 2017 đạt 73%, 2018 là 66%, 2019 là 67%, 2020 là 82%, tới 2021 là 72% và 2022 đạt trên 67%.
Nhận diện về các nguyên nhân khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư công không cao, nhiều chuyên gia chỉ ra 25 - 30 khó khăn, vướng mắc.
Trong đó thể chế, chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ, quy định phức tạp về ngân sách, đất đai, đấu thầu, môi trường, giải phóng mặt bằng ... là những nguyên nhân chính yếu.
Riêng đối với năm 2022, kế hoạch đầu tư công được thực hiện trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều thay đổi nhanh, mạnh cùng những yếu tố mới xuất hiện, nằm ngoài dự báo. Số vốn cần giải ngân khá lớn, tăng 26% (120.000 tỉ đồng) so với kế hoạch năm 2021, trong khi chịu nhiều tác động bên ngoài từ giá nguyên nhiên vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế, ... tăng cao.
Dự án hạ tầng trọng điểm tại các khu vực năm 2023
Đường Vành Đai 4 – giai đoạn 1: Dự kiến thi công cuối quý 2 năm nay với tổng vốn đầu tư là 85.800 tỉ đồng. Đây được xem là dự án trọng điểm liên kết vùng Đồng bằng Sông Hồng, đi qua các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc.
Đường Vành Đai 3: Dự kiến thi công vào tháng 6-2023, với tổng vốn đầu tư là 75.000 tỉ đồng và là dự án trọng điểm liên kết vùng Đông Nam Bộ, nối TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Long An.
Sân Bay Long Thành – giai đoạn 1: Dự kiến thi công quý I-2023 với tổng vốn đầu tư là 110.000 tỉ đồng. Dự án đầu tư nhằm phát triển mở rộng ngành hàng không khu vực phía Nam. Kết hợp với cảng Cái Mép – Thị Vải phát triển toàn diện chuỗi logistics trong nước. Trong dài hạn, khu vực này được định hướng trở thành nơi trung chuyển hàng hóa khu vực.
Hệ thống dự án cao tốc địa phương khu vực phía Nam: Dự kiến khởi công 2023 với tổng vốn đầu tư: 93.000 tỉ đồng. Trong năm 2022, khu vực phía Nam có thêm 5 dự án cao tốc được triển khai xây dựng (Dầu Giây – Tân Phú, Biên Hòa – Vũng Tàu, Mộc Bài – TP.HCM, An Hữu – Cao Lãnh, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng).
T.LINH