Vietstock - Động lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang được kỳ vọng vào sự lan tỏa của đầu tư công và chương trình phục hồi, phát triển sản xuất và xuất khẩu.
Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
|
Doanh nghiệp đang nỗ lực thích ứng để phục hồi hoạt động sau thời gian dài chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức, biến động mới. Để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2022, cần tạo động lực và điều kiện để hấp thụ nguồn vốn đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như sản xuất.
Đây là nội dung được các chuyên gia kinh tế chia sẻ tại Tọa đàm “Dự báo kinh tế Việt Nam-Động lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022” do Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức ngày 12/3.
Cơ hội đan xen thách thức
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch HUBA, thông tin tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp nhưng chính quyền và người dân đang kiểm soát dịch bệnh theo cách chủ động. Cộng đồng doanh nghiệp cũng quen dần với trạng thái bình thường mới. Các nguồn nguyên liệu, thị trường cũng đã được kết nối sau thời gian gián đoạn, nhiều doanh nghiệp đã đạt được sự hồi phục. Động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang được kỳ vọng vào sự lan tỏa của đầu tư công và chương trình phục hồi, phát triển sản xuất và xuất khẩu.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Phước Hưng, các biến động mới về giá xăng dầu và nhiều loại nguyên liệu tăng cao kéo theo chi phí sản xuất, logistic tiếp tục tăng lên. Trong khi đó cũng còn không ít doanh nghiệp thiếu lao động; khó khăn về vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa có giải pháp nào cải thiện đã làm giảm bớt phần nào kỳ vọng của doanh nghiệp vào mức độ phục hồi.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, phân tích trong năm 2021 dù khó khăn nhưng các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Cú sốc COVID-19 làm doanh nghiệp lao đao nhưng ngay khi mở cửa, doanh nghiệp trở lại rất nhanh.
Tính đến hết năm 2021, cả nước có 854.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Con số trên khẳng định khả năng chống chịu và thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam. Ổn định về kinh tế vĩ mô và số lượng doanh nghiệp đang hoạt động vẫn tăng lên qua hằng năm chính là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm tới.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu công, triển khai các gói kích thích kinh tế và cắt giảm thuế giá trị gia tăng nhằm tạo động lực đầu tư mới vào sản xuất. Các ngành chế biến chế tạo sẽ đóng vai trò dẫn dắt hoạt động xuất khẩu vì dự báo đầu tư FDI sẽ phục hồi mạnh mẽ. Ngay cả lĩnh vực dịch vụ cũng được dự báo sẽ phục hồi mạnh nhờ nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng và việc mở cửa các chuyến bay quốc tế.
Tuy nhiên, những rủi ro mới phát sinh trong năm 2022 cũng không hề nhỏ từ căng thẳng Nga-Ukraine và chuỗi biện pháp bao vây cấm vận Nga sẽ khiến chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy, hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp và cả gián tiếp. Trước mắt, giá xăng dầu và nhiều loại nguyên vật liệu đang tăng mạnh, giá lương thực thực phẩm cũng tăng theo; xa hơn là kinh tế các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và châu Âu có nguy cơ suy thoái.
Tạo động lực tăng trưởng
Ông Nguyễn Phước Hưng cho rằng trước những biến động khó lường, các doanh nghiệp vẫn xác định phải tự thân vận động là chính. Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp chủ động cắt giảm chi phí, nhận diện xu thế, định vị đối tác, thị trường, sáng tạo, đổi mới sản phẩm, chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử để đẩy mạnh mua bán online có hiệu quả.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
|
Về phía Hiệp hội, thường xuyên tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết lẫn nhau, vừa đồng hành cùng thành phố trong phòng chống dịch vừa có phương án sản xuất an toàn, linh hoạt, giúp tái cơ cấu, tư duy, xây dựng lại để phát triển mạnh mẽ hơn trong tình hình bình thường mới.
Chia sẻ kinh nghiệm từ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Tân Quang Minh, cho biết trải qua làn sóng dịch COVID-19 chuỗi cung ứng bị đứt gãy ở nhiều công đoạn và doanh nghiệp phải chủ động tìm nguồn thay thế. Việc nhập khẩu nguyên liệu đối mặt với vấn đề ách tắc logistics dẫn đến chi phí vận chuyển tăng và tốn thời gian chờ đợi.
Chính vì vậy, doanh nghiệp chuyển hướng thiết lập các chuỗi cung ứng nội địa, sử dụng nguyên liệu trong nước để cắt giảm chi phí và thời gian vận chuyển, đảm bảo nguyên liệu sản xuất liên tục. Song song đó, doanh nghiệp cũng thay đổi phương thức vận hành, giảm tiêu hao nguyên phụ liệu để tiết kiệm chi phí.
Ở góc độ vĩ mô, Tiến sỹ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ đạt được các chỉ số đề ra. Nếu phát huy tốt các gói hỗ trợ mà Quốc hội, Chính phủ ban hành tốc độ phục hồi của doanh nghiệp sẽ nhanh hơn nữa. Những doanh nghiệp vẫn còn nguồn lực sẽ sớm tăng tốc và những doanh nghiệp suy kiệt cũng sẽ được “cứu” kịp thời.
Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, để tạo được động lực tăng trưởng dài hạn phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công cho các công trình trọng điểm, tạo tác động kích cầu đầu tư. Như vậy, cần có giải pháp kiểm soát tăng giá đất, ngăn chặn đầu cơ tạo ra bong bóng bất động sản. Bởi việc tăng giá đất mất kiểm soát không chỉ cản trở giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư công và còn khiến việc huy động vốn cho sản xuất trở nên khó khăn.
“Riêng đầu tư công tại Thành phố Hồ Chí Minh phải tập trung vào các dự án vành đai 2, vành đai 3; giải tỏa được nhà tạm trên kênh rạch và phát triển quỹ nhà ở xã hội cho người dân. Các dự án bị vướng mắc thủ tục hành chính cần được tháo gỡ ngay để tăng hấp thụ vốn. Song song đó, với quy mô và vai trò đặc biệt trong nền kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh cần đánh giá lại việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù để có kiến nghị gia tăng tính tự chủ, đặc biệt là tự chủ về huy động nguồn lực cho phát triển,” Tiến sỹ Trần Du Lịch nhấn mạnh./.
Xuân Anh