Vietstock - Những 'trái ngọt' đầu tiên từ EVFTA
Sau 2 tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, các cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu được hiện thực hóa, mang lại những lợi ích đầu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều mặt hàng xuất sang thị trường này đã tăng mạnh cả kim ngạch và giá thành.
Gần 1 tỷ USD hàng Việt Nam đã được EU giảm thuế
Hiệp định EVFTA đi vào thực thi từ 1/8/2020 đã mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, việc thực thi Hiệp định EVFTA mang lại ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế.
Tôm là 1 trong những mặt hàng xuất khẩu sang EU tăng mạnh kể từ khi EVFTA có hiệu lực
|
Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – đánh giá, sau 2 tháng thực hiện EVFTA, kết quả bước đầu đạt được khá tích cực. Việt Nam là một trong những quốc gia đảm bảo mức tăng trưởng về xuất khẩu trong một số lĩnh vực rất ấn tượng dù thương mại toàn cầu đang bị xáo trộn và gián đoạn. Mức tăng trưởng ở đây không phải so với cùng kỳ năm 2019 mà là trong hoàn cảnh dịch Covid-19, với việc thành công trong chống dịch, tăng trưởng về xuất khẩu của Việt Nam chính là điểm sáng cả thế giới. Đáng kể nhất là nhiều mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng xuất khẩu đầy lạc quan, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến ngày 12/10, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho trên 660 lô hàng với trị giá khoảng 2 triệu USD.
Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 gồm giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Tiêu biểu như giày dép có giá trị được cấp C/O sau 2 tháng (tháng 8 và 9) đạt gần 391 triệu USD; thủy sản đạt hơn 183 triệu USD, nhựa và sản phẩm nhựa đạt hơn 49 triệu USD, sản phẩm dệt may đạt hơn 27 triệu USD,...
So với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác của Việt Nam mới có hiệu lực và đi vào thực thi trong thời gian gần đây như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa ASEAN và Hongkong, Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Cuba… thì số lượng C/O mẫu EUR.1 cấp trong thời gian đầu Hiệp định EVFTA có hiệu lực lớn hơn nhiều. Tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 trong tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8/2020 đạt 8,64% và tăng lên 14,65% vào cuối tháng 9/2020.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - đánh giá: EVFTA có hiệu lực đã có tác động rất kịp thời, giúp cho các doanh Việt Nam tìm được đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh năm 2020 chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.
Hiện các mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định là nông sản, sau 1 tháng triển khai cho thấy kim ngạch và giá thành nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU tăng mạnh. Cụ thể, trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU đạt 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước. Xuất khẩu thủy sản cũng ước tính tăng 10% so với tháng 7/2020.
Hiểu các cam kết để khai thác EVFTA hiệu quả
Mặc dù những kết quả ban đầu là tương đối khả quan, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, Hiệp định vẫn còn rất mới mẻ với đa số doanh nghiệp. Bởi EVFTA là FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao điển hình. Đây là hiệp định đầu tiên với đối tác chưa từng có FTA với Việt Nam trước đây, đối tác có nguồn công nghệ hàng đầu thế giới và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, thị trường có sức mua lớn thứ 2 thế giới và các nhà đầu tư FDI lớn nhất thế giới. Vì vậy, EU có những quy định rất khắt khe. Ông Tô Hoài Nam cho rằng, muốn khai thác, tận dụng hiệu quả EVFTA, chúng ta phải bình tĩnh, không nên quá vội vàng mà buộc doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ thị trường, chuẩn bị cặn kẽ các nguồn lực, sản xuất các hàng hóa chất lượng. Đặc biệt, cần quan tâm đến quy tắc xuất xứ, lao động, an toàn, môi trường, văn hóa tiêu dùng của EU. “Muốn “mang chuông đi đánh xứ người” thành công trước hết chúng ta phải tự tin về sản phẩm của mình, không nên đánh mất thương hiệu, gây tổn hại đến ngành sản xuất trong nước” - ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) – cũng cho rằng, dưới tác động của dịch, đang có xu hướng chuyển dịch sản xuất và chuỗi giá trị, tránh “bỏ trứng vào một giỏ” và EVFTA là công cụ giúp Việt Nam có lợi thế trong xu hướng chuyển dịch này. Vì vậy, trong lâu dài, để hiện thực hóa cơ hội lớn mà EVFTA mang lại, các doanh nghiệp cần hiểu biết chính xác, đầy đủ về các cam kết EVFTA. Từ đó, doanh nghiệp mới có thể hành động, chuẩn bị, tận dụng các cam kết một cách phù hợp.
Tuy nhiên, nếu một mình doanh nghiệp thì sẽ không “đủ sức” để đáp ứng được yêu cầu từ phía EU, mà đòi hỏi sự vào cuộc của cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền sâu rộng và các quy định về kỹ thuật cho doanh nghiệp để họ nắm được.
Với vai trò đầu mối thực hiện Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động triển khai các chương trình, hoạt động, nhanh chóng giúp các ngành sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng Hiệp định EVFTA một cách hiệu quả. Các hội nghị, hội thảo khác cũng nhằm cung cấp, phổ biến thông tin và hướng dẫn thực thi các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA.
Cụ thể như: Hội thảo trực truyến về EVFTA, với chủ đề “Cơ hội nào dành cho các doanh nghiệp Pháp) diễn ra ngày 8/7/2020, tại Hà Nội. Hội nghị liên Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA” ngày 30/6/2020 tại TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” ngày 5/6/2020 tại Hà Nội. Cùng với đó là các cuộc hội thảo, diễn đàn trực tuyến về FVFTA trong bối cảnh dịch Covid-19.
Ngoài ra, để đổi mới phương pháp tuyên truyền trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã và đang triển khai Chương trình tập huấn trực tuyến về các cam kết trong Hiệp định EVFTA, tập trung vào các cam kết về dịch vụ - đầu tư, thuế, quy tắc xuất xứ, phát triển bền vững, quyền sở hữu trí tuệ. Chương trình tập huấn bao gồm các video clip hướng dẫn và các buổi trao đổi trực tuyến (livestream) giữa người tham gia và các chuyên gia của Bộ Công Thương và Đoàn đàm phán Chính phủ. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai các khóa tập huấn trực tuyến về sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững (lao động – môi trường). Bộ Công Thương đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Australia xây dựng cổng thông tin về FTA của Việt Nam (FTA Portal), trước mắt cung cấp cam kết của Hiệp định CPTPP và EVFTA trong các lĩnh vực thuế quan, quy tắc xuất xứ và dịch vụ đầu tư, thông tin thị trường. Đây là một kênh thông tin hữu ích cho doanh nghiệp đọc hiểu và vận dụng cam kết.
Thu Phương - Hoa Quỳnh