Vietstock - NHNN vẫn còn đủ dư địa chính sách tiền tệ để kiểm soát ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá
Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước (chiều 18/06), ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ đã có những đánh giá về tác động tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đến tỷ giá và lãi suất tại Việt Nam.
Theo ông Quang, sau khi Fed tăng lãi suất thêm 0.75%, mức tăng lớn nhất từ năm 1994 trở lại đây thì một loạt các nước đã tăng lãi suất bám sát mức tăng của Fed, tăng từ 0.5-1 điểm phần trăm. Như vậy có thể thấy Fed tăng lãi suất ảnh hưởng đến dòng vốn toàn cầu. Trong đó, chỉ số USD-Index dao động từ 103-105 điểm, tăng từ 9-10% so với cuối năm 2021, dẫn đến 1 loạt các đồng tiền khác trên thế giới mất giá rất mạnh như Thái Bath và đồng đô la Đài Loan lần lượt mất giá 7.33%, 5%, Yên Nhật mất giá 14.6%...
Trong bối cảnh đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tại Việt Nam chỉ tăng rất nhẹ 0.09% và đồng Việt Nam chỉ mất giá nhẹ khoảng 2% cho thấy NHNN đã thực hiện đúng theo tôn chỉ, bám sát kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế sau COVID-19.
Theo đó, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ đánh giá áp lực về mặt lãi suất và tỷ giá tại Việt Nam sẽ rất lớn trong thời gian tới với lạm phát toàn cầu tăng nhanh. Đặc biệt là giá dầu và giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất tăng mạnh sau sự đứt gãy cung ứng toàn cầu do dịch COVID-19 cộng thêm chiến tranh Nga –Ukraine tạo nên mặt bằng lạm phát rất cao.
Ông cũng tin rằng, với sự chỉ đạo của Chính phủ và sự điều hành của NHNN thì Việt Nam hoàn toàn có thể sự kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm nay sẽ ở mức 4 % và vẫn có đủ dư địa chính sách tiền tệ để đảm bảo kiểm soát ổn định mặt bằng lãi suất tỷ giá, qua đó hỗ trợ nền kinh tế và hạn chế nhập khẩu lạm phát trong bối cảnh quốc gia mở cửa và bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao.
Khang Di