Năm 2022, bằng việc NHNN phát hành tín phiếu mà lãi suất VND (HM:VND) từ thấp hơn đã tăng cao hơn USD nhưng năm nay, theo chuyên gia, tình hình rất khác. Trong diễn biến nghiệp vụ thị trường mở mới nhất vào ngày 23/5, NHNN đã tăng lãi suất OMO từ 4,25% lên 4,5% và lãi suất tín phiếu từ 3,9% lên 4%.
Đây là lần thứ 2 NHNN tăng lãi suất OMO trong vòng 1 tháng qua, từ 4% lên 4,25%/năm trong phiên 23/4 - cao nhất trên kênh OMO kể từ ngày 1/6/2023. Khối lượng phát hành cũng đã tăng gấp 9 lần - cao nhất kể từ ngày 25/4.
Theo chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh - nhà sáng lập Think Future Consultancy - mục đích tăng lãi suất cũng như hút thanh khoản lần này không gì khác là để nâng mặt bằng lãi suất VND nhằm mục đích cân lại với lãi suất USD, nhờ vậy hi vọng tăng cung USD.
Trong quá khứ, năm 2022, bằng việc NHNN phát hành tín phiếu mà lãi suất VND từ thấp hơn đã tăng cao hơn USD. Tuy nhiên, theo ông Hùng Linh, tình hình năm nay rất khác.
Biểu đồ: Think Future |
Biểu đồ: Think Future |
Trên thị trường liên ngân hàng, chốt phiên 22/5, lãi suất VND các kỳ hạn dưới 1 tháng đang giao dịch tại các mức: Qua đêm 4,63% (+0,47%), 1 tuần 4,73% (+0,41%), 2 tuần 4,85% (+0,35%), 1 tháng 4,98% (+0,3%).
Cùng thời điểm, lãi suất USD liên ngân hàng giao dịch tại các mốc: Qua đêm 5,27%, 1 tuần 5,32%, 2 tuần 5,39%, 1 tháng 5,39% trong khi tỷ giá liên ngân hàng giao dịch ổn định quanh mức 24.466 VND/USD.
Một điểm quan trọng khác là "mồi lửa" nhập siêu đã bắt đầu bập bùng trở lại khiến nhu cầu USD trên thị trường tăng cao. Số liệu từ Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy nửa đầu tháng 5 nhập siêu vào khoảng 2,63 tỷ USD. Diễn biến trên được đánh giá là "khá bất ngờ" khi 4 tháng đầu năm cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD và lần gần đây nhất Việt Nam nhập siêu là vào tháng 5/2022.
Chia sẻ với PV báo Tiền Phong, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho rằng, việc nhập siêu trong thời điểm này là dấu hiệu tốt, chứng tỏ nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Các doanh nghiệp bắt đầu tăng nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
TS Lê Xuân Nghĩa nhận định: "Hiện phía NHNN bắt đầu tăng lãi suất liên ngân hàng để kiềm chế tăng tỷ giá hối đoái, cùng đó bán ra 2,5 tỷ USD dự trữ ngoại hối (trong dự trữ hơn 100 tỷ USD) để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Do đó, tình hình hiện tại không có vấn đề gì lớn".
Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh đánh giá lần bán USD dự trữ này NHNN đã thận trọng hơn, tránh "hao tổn" dự trữ nhanh như hồi 2022. Cũng theo ông Linh, một trong những cách là NHNN hạ tỷ giá tham chiếu, kéo giá bán của NHTM xuống sát mức giá mua từ dự trữ, qua đó giảm mức sinh lời từ việc mua dự trữ để bán lại trên thị trường.
Ông Linh cho rằng lãi suất OMO và tín phiếu tiếp tục tăng có lẽ chỉ là vấn đề thời gian, còn việc có tăng lãi suất điều hành như năm 2022 hay không và khi nào tăng lại là một vấn đề khác. Độ căng của cung cầu USD trên thị trường còn phụ thuộc vào diễn biến nhập siêu.
"Nhập siêu, nhưng ở mức độ nào, có làm thiếu hụt USD để thanh toán hợp đồng nhập khẩu và trả nợ không? Cái này chỉ có thời gian mới rõ được. Tuy nhiên, xu hướng gần như chắc chắn sẽ là giảm xuất siêu hoặc quay lại nhập siêu đặc biệt là khi còn tới 8 tháng nữa mới hết năm", ông Hùng Linh nói.
>> NHNN bơm gần 25.000 tỷ qua kênh OMO phiên 22/5, lãi suất đồng loạt tăng cao