Vietstock - Người Việt chi hơn 360 triệu đô cho trà sữa mỗi năm
Mỗi năm, người dân tại Đông Nam Á chi 3.66 tỷ USD để mua trà sữa và các thức uống tương tự, trong đó thị trường Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực với quy mô 362 triệu USD.
Đây là kết quả nghiên cứu vừa được công bố trong báo cáo “Bubble Tea in Southeast Asia” của Momentum Works và qlub.
Indonesia là thị trường trà sữa lớn nhất trong khu vực, với doanh thu ước tính mỗi năm lên tới 1.6 tỷ USD. Thị trường của Thái Lan đứng thứ hai với quy mô 749 triệu USD và hơn 31,000 cửa hàng trà sữa và các kênh bán lẻ khác.
Trong 6 thị trường chính tại Đông Nam Á, Singapore nổi bật nhất vì đây là nước dân số thấp nhất nhưng lại chi tiêu mạnh nhất. Một ly trà sữa tại Singapore đắt gấp đôi so với các thị trường khác trong khu vực. Do đó, đảo quốc sư tử được xem là một điểm đến lý tưởng cho những thương hiệu cao cấp. Hiện Singapore có hơn 60 thương hiệu trà sữa phù hợp với nhiều khẩu vị khác nhau và có phân khúc giá khác nhau.
Đài Loan và các thương hiệu “nhà làm” từ lâu đã rất nổi tiếng và chi phối thị trường trà sữa to lớn tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, gần đây nhiều thương hiệu Trung Quốc đang dần dần xuất hiện vào khu vực này.
Theo ước tính, thị trường trà sữa ở Trung Quốc có doanh thu hàng năm tới 20 tỷ USD, nhưng đang bão hòa và cạnh tranh cực kỳ gay gắt. Các thương hiệu phổ biến của Trung Quốc như Mixue, Chagee và HEYTEA đang tiến bước sang các thị trường khác tại Đông Nam Á.
Chẳng hạn, Mixue đã mở rộng sang Việt Nam từ năm 2018, với chiến lược chi phí thấp và giá thấp, và được mệnh danh là “Pinduoduo của ngành trà sữa”. Hiện nay, Mixue có hơn 2,000 cửa hàng tại Trung Quốc và hơn 1,000 cửa hàng tại Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia và Singapore.
Tại Việt Nam, trà sữa cũng là một thức uống được yêu thích với thị trường lên tới 362 triệu USD. Nổi bật nhất là các thương hiệu như Phúc Long, Tocotoco, Koi, Bobapop, Gong Cha.
Kinh doanh trà sữa không dễ
“Nhiều bạn trẻ tại Đông Nam Á muốn mở một tiệm trà sữa vào một ngày nào đó”, Sik Hoe Yong, Giám đốc vận hành tại qlub, cho hay.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng chỉ rõ kinh doanh trà sữa không hề dễ dàng. “Mặc dù biên lợi nhuận rất cao (lên tới 60-70%), nhưng các thương hiệu có rất ít sự khác biệt và dễ sao chép sản phẩm. Ngoài ra, chuỗi cung ứng cũng có nhiều thách thức. Đại dịch Covid-19 được xem là một quá trình chọn lọc tự nhiên khi nhiều cửa hàng đóng cửa. Tuy nhiên, cơn nghiện trà sữa của người tiêu dùng sẽ không sớm tiêu tan, nhưng họ sẽ chọn thương hiệu yêu thích của họ”, ông Sik Hoe Yong nói.
Jianggan Li, nhà sáng lập và CEO của Momentum Works, nói thêm: “Thị trường trà sữa bị phân mảnh và không như các công ty Internet, sẽ có đủ dư địa cho các tay chơi nhỏ và lớn cùng chung sống và phát triển thịnh vượng. Sự trỗi dậy của những công ty Trung Quốc – vốn rất tốt về khâu làm thương hiệu, chuỗi cung ứng/sản phẩm và quản lý chi phí – sẽ tạo ra thách thức ngày càng lớn cho những thương hiệu địa phương”.
Báo cáo của Momentum Works- qlub chỉ ra một thực tế thảm khốc rằng mặc dù biên lợi nhuận cao, nhưng rất ít cửa hàng trà sữa có lãi. Ngành trà sữa có biên lợi nhuận gộp lên tới 60-70%, nhưng rất ít công ty có thể tạo ra lợi nhuận liên tục trên quy mô lớn. Chẳng hạn, Nayuki – thương hiệu trà đầu tiên niêm yết lên sàn – chứng kiến vốn hóa thị trường lao dốc hơn 70% so với thời điểm lên sàn. Ngoài ra, trong ngành cũng lan truyền một câu nói rằng cứ 10 tiệm trà sữa thì có tới 9 tiệm lỗ.
Với người tiêu dùng, quyết định của họ không chỉ bị tác động bởi giá cả, mà còn là những chọn lựa sản phẩm tại cửa hàng cũng như khả năng tiếp cận dễ dàng với cửa hàng đó.
Vũ Hạo (Theo Momentum)