Vietstock - Người làm công ăn lương giảm thu nhập
Thu nhập của người làm công ăn lương giảm, nhưng họ lại chưa được hỗ trợ giảm thuế thu nhập cá nhân.
Thu nhập người dân ngày càng giảm
Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết tổng thu nội địa trên địa bàn TP 9 tháng qua đạt 188.422 tỉ đồng, đạt 73,35% dự toán. Trong đó, thu nội địa trừ dầu là 177.726 tỉ đồng, đạt 71,56% dự toán. Từ tháng 6 trở đi, số thu thuế trên địa bàn liên tục giảm và giảm sâu nhất vào tháng 9 với tổng thu chỉ còn 9.778 tỉ đồng là mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Với tình hình như vậy, số thu thực tế đã hụt so với ước dự kiến thu quý 3 là 8.220 tỉ đồng.
Cần xem xét miễn, giảm thuế cho người làm công ăn lương. NGỌC THẮNG |
Một số khoản thu chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 như thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ tháng 7 đến nay liên tục có tốc độ tăng trưởng âm, cụ thể thuế liên quan tiền lương tiền công giảm từ 200 - 300 tỉ đồng so với những tháng trước đó, xuống còn khoảng 1.900 tỉ đồng.
Thu thuế từ tiền công, tiền lương giảm, điều này chứng tỏ thu nhập của người lao động cũng đã giảm đi nhiều. Trong một báo cáo mới đây về tình hình lao động, việc làm quý 3 và từ tháng 1 - 9.2021, Tổng cục Thống kê đánh giá biến thể Delta của SARS-CoV-2 tác động nặng nề đến thị trường lao động VN. Thu nhập bình quân tháng của lao động quý 3 là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,4 lần (6 triệu đồng so với 4,3 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,35 lần (6,2 triệu đồng so với 4,6 triệu đồng). Ngoài ra, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập; lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính 49,1 triệu người, giảm gần 2 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý 3 thấp nhất trong 10 năm trở lại đây với 65,6%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 3,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 3,98%, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động càng khó khăn hơn.
Cần miễn giảm thuế TNCN
Đáng nói, dù thu nhập giảm, người làm công ăn lương vẫn chưa được hỗ trợ giảm thuế như nhiều đối tượng khác.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, nhận xét hầu hết tất cả thành phần trong nền kinh tế, xã hội đều bị ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19 vừa qua. Người lao động làm công ăn lương cũng không thể nào tránh khỏi bị ảnh hưởng đến thu nhập khi doanh nghiệp thu nhập giảm, xã hội bị giãn cách.
Chưa bao giờ nền kinh tế lại trải qua giai đoạn khó khăn như hiện nay mà người làm công ăn lương lại bị bỏ quên trong các chính sách hỗ trợ về thuế. Đây cũng là đối tượng nộp thuế vào ngân sách, trong số TNCN thì họ đóng đến hơn 70% số thu. Ông Nguyễn Ngọc Tú lấy làm lạ là thời điểm kinh tế năm 2009 khó khăn không bằng như hiện nay, nhưng chính sách thuế vẫn thực hiện miễn thuế TNCN 6 tháng cho người lao động.
Còn hiện nay tình hình nghiêm trọng hơn mà không thấy chính sách hỗ trợ nào. Chính phủ vừa rồi trình lên chính sách tài khóa hỗ trợ nhưng chưa đủ mạnh, lại thiếu chính sách cho người làm công ăn lương thuộc diện nộp thuế TNCN. Người lao động không những bị giảm thu nhập mà chi tiêu cho cuộc sống lại tăng cao, nhất là giá lương thực thực phẩm. Chưa kể họ còn phải gánh vác lo cho những người trong gia đình nếu như có người bị thất nghiệp trong giai đoạn này.
Thế nên, khó khăn của người lao động là khó khăn kép. Vì thế, quan điểm cho rằng người nộp thuế TNCN hiện nay đã thuộc diện thu nhập cao là không chính xác. Người lao động có thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở lên đã phải nộp thuế, mức này nếu ở TP với chi phí đắt đỏ có khi không đủ sống nên không thể gọi là thu nhập cao, giàu được. Ở đây cần có cái nhìn thông thoáng, chia sẻ hơn với người lao động.
Theo ông Tú, người làm chính sách chỉ để ý đến người yếu thế và doanh nghiệp nhưng khó khăn thì mỗi đối tượng nộp thuế sẽ bị ảnh hưởng ở nhiều cấp độ khác nhau. Người nào cũng nộp thuế mà đối tượng này được hưởng chính sách hỗ trợ, còn người làm công ăn lương không được là chưa công bằng. Chính sách không phân biệt doanh nghiệp trong và ngoài nước đã thực hiện từ nhiều năm nay, thì không cớ gì chính sách hỗ trợ thuế lại phân biệt doanh nghiệp và cá nhân.
Ông Tú nhấn mạnh: “Thuế càng phải công bằng nếu không sẽ gây tâm lý nặng nề, khó khuyến khích đối tượng nộp thuế thực hiện đúng, mà tìm cách né thuế. Thực tế đã chứng minh những năm trước đây, khi áp dụng chính sách miễn giảm thuế, số thu thuế năm đó cũng như những năm sau đều tăng lên”.
Phân tích thêm ý nghĩa của việc miễn giảm thuế đối với người lao động làm công ăn lương, ông Tú cho rằng nó còn có tác động kích thích tiêu dùng trong nền kinh tế. Số tiền hỗ trợ qua hình thức giảm thuế sẽ quay lại tiêu dùng, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng. Vì vậy, nên miễn thuế TNCN 6 tháng trong năm 2021 như đã thực hiện vào năm 2009 để đón đà hồi phục kinh tế vào năm 2022.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn, nhận định: “Nhiều ý kiến cho rằng nếu miễn, giảm thuế TNCN thì người có thu nhập cao hưởng lợi. Vậy cơ quan chức năng có thể xem xét đưa ra giải pháp sao cho hợp lý, chẳng hạn cho miễn giảm đối với những khoản thu nhập bậc 1, 2, 3, còn những bậc cao hơn có thể mức giảm không đáng kể thì vẫn nộp”.
Thanh Xuân