Vietstock - Người dân đổ tiền vào gửi ngân hàng
Chỉ trong nửa đầu năm nay, kênh tiền gửi ngân hàng đã hút ròng thêm hơn nửa triệu tỷ đồng, trong đó, riêng số tiền do người dân gửi vào đã chiếm gần 320.000 tỷ.
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, hệ thống thanh toán của Việt Nam đã được bổ sung thêm hơn 506.200 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm.
Cùng với xu hướng gia tăng của tổng phương tiện thanh toán, việc dịch Covid-19 được kiểm soát và lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng trên diện rộng từ đầu năm đã khiến dòng tiền gửi của người dân và các doanh nghiệp chảy vào kênh gửi ngân hàng.
Theo đó, đến cuối tháng 6, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng đạt gần 5,849 triệu tỷ đồng, tăng 3,61% so với đầu năm. Tính riêng tháng 6, số dư tiền gửi của nhóm khách hàng này đã tăng thêm gần 42.000 tỷ đồng.
Dòng tiền người dân đổ vào gửi ngân hàng
Tính từ đầu năm đến nay, người dân đã mang tổng cộng gần 319.000 tỷ đồng gửi thêm vào hệ thống ngân hàng, tăng 6,02% so với đầu năm. Mức tăng số dư tiền gửi 6 tháng đầu năm nay đã cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 30% so với năm 2020.
Tính bình quân, mỗi ngày người dân mang thêm gần 1.772 tỷ đồng gửi vào ngân hàng.
Tính chung hai nhóm khách hàng doanh nghiệp và người dân, hệ thống ngân hàng đã ghi nhận thêm hơn 522.500 tỷ đồng tiền gửi trong nửa đầu năm, cao hơn 36% so với cùng kỳ năm trước và 25% so với nửa đầu năm 2020.
Đà tăng mạnh dòng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng diễn ra trong bối cảnh lãi suất huy động đã tăng liên tục từ đầu năm đến nay.
Theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 6, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại các ngân hàng thương mại ở mức 3,3-3,6%/năm, tăng 0,1 điểm % so với cuối năm 2021. Tương tự, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng đạt 5,1-5,9%/năm, tăng 0,2 điểm %; kỳ hạn trên 12 tháng đến 24 tháng phổ biến ở mức 5,4-6,6%/năm, tăng 0,1 điểm % và tiền gửi kỳ hạn trên 24 tháng là 6,3-6,7%/năm, tăng 0,2 điểm %.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VNDirect ước tính đến cuối tháng 7, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của các ngân hàng tư nhân đã tăng 0,09 và 0,16 điểm % so với tháng trước và tăng 0,38 và 0,44 điểm % so với đầu năm. Tương tự, lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn của các ngân hàng thương mại quốc doanh đã tăng 0,03 và 0,07 điểm % so với đầu năm.
Tuy nhiên, trên thực tế, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã tăng tới vài điểm % so với đầu năm.
Như tại ACB (HM:ACB), cuối năm 2021, ngân hàng vẫn niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,6-5,8%/năm, đến nay đã tăng lên mức 6,1-6,4%/năm; VPBank (HM:VPB) niêm yết lãi suất cùng kỳ hạn dao động trong khoảng 4,8-5,3%/năm vào cuối năm 2021 và lãi suất cao nhất là 5,4%, đến nay, các mức lãi suất này đã tăng lên 5,6-6,5%/năm và 6,7%/năm; CBBank điều chỉnh tăng từ 6,55%/năm lên 7,45%/năm…
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại hầu hết ngân hàng như MBBank, Techcombank (HM:TCB), Eximbank (HM:EIB), HDBank (HM:HDB), SHB (HM:SHB), Sacombank… trong nửa đầu năm qua.
Thậm chí, với xu hướng hiện nay, các chuyên gia phân tích cho rằng đà tăng của lãi suất tiền gửi sẽ chưa dừng lại.
VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3-0,5 điểm % trong nửa cuối năm nay. Trong khi, VCBS dự báo lãi suất sẽ tăng 1-1,5 điểm % trong cả năm.
Biến động mạnh trên thị trường 2
Trái với diễn biến trên thị trường 1 (ngân hàng với người dân), tại thị trường 2 (ngân hàng với ngân hàng) lại ghi nhận xu hướng NHNN liên tục đảo chiều bơm - rút tiền để điều tiết lãi suất cho vay chéo giữa các nhà băng.
Cụ thể, sau khoảng 2 tuần bơm tiền vào hệ thống, cơ quan quản lý tiền tệ đã một lần nữa đảo chiều rút ròng khối lượng tiền Đồng trong tuần gần nhất.
Trong tuần này (15-19/8), NHNN đã thực hiện bán gần 104.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, qua đó rút khỏi thị trường lượng tiền Đồng tương ứng. Ngược lại, cơ quan này chỉ thực hiện mua gần 1.600 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày để hỗ trợ thanh khoản cục bộ cho một vài thành viên thị trường.
Như vậy, tính riêng trên thị trường mở tuần này, NHNN đã rút ròng hơn 102.000 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng.
Động thái đảo chiều dòng tiền điều tiết trên thị trường mở của NHNN diễn ra ngay khi ghi nhận lãi suất cho vay VNĐ trên kênh liên ngân hàng lao dốc, hiện đã giảm về mức thấp hơn so với lãi suất cho vay USD.
Trước đó, NHNN đã liên tục giảm khối lượng tiền Đồng trong hệ thống ngân hàng từ nửa cuối tháng 6 đến nửa đầu tháng 7 để nâng lãi suất cho vay VNĐ trên kênh liên ngân hàng lên cao hơn lãi suất cho vay USD. Mục đích là để giảm nhu cầu nắm giữ ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng, qua đó gián tiếp làm hạ nhiệt tỷ giá USD/VNĐ trong nước.
Sau khi lãi suất cho vay VNĐ liên ngân hàng tăng vọt từ vùng 0,8%/năm lên trên 5%/năm, NHNN đã duy trì trạng thái bơm ròng nhẹ tiền Đồng để duy trì lãi suất này trên vùng 4%/năm.
Tuy nhiên, khi lượng lớn giao dịch rút tiền trước đó của NHNN đến hạn thanh toán, hàng chục nghìn tỷ đồng đã quay trở lại thị trường khiến thanh khoản các ngân hàng dôi dư và làm giảm lãi suất cho vay VNĐ liên ngân hàng.
Ngay cả khi NHNN không nới "room" tín dụng, các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động. So với một năm trước, lượng tiền dự trữ cho vay đã ít hơn rất nhiều
Ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup
Kết quả là NHNN một lần nữa phải đảo chiều rút ròng hàng trăm tỷ đồng thông qua thị trường mở.
Ngoài ra, việc dòng tiền gửi của người dân chảy vào kênh ngân hàng vẫn tăng lên trong khi tăng trưởng tín dụng đã chậm lại do nhiều ngân hàng gần hết “room” tín dụng cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản các ngân hàng dôi dư tạm thời.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, cho rằng lãi suất huy động ngân hàng tăng liên tục thời gian qua mục đích chính vẫn là để huy động vốn phục vụ cho hoạt động cho vay.
Vị chuyên gia cho biết những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng bình quân vẫn đạt 13-14%/năm, trong khi số dư huy động chỉ tăng 6-7%/năm. Mức chênh này là quá cao nên hệ thống ngân hàng nhìn chung vẫn thiếu vốn.
Sở dĩ mọi năm lãi suất huy động không tăng quá nhiều là do NHNN thực hiện mua vào ngoại tệ với giá trị bình quân 10-15 tỷ USD/năm, qua đó bơm ra thị trường lượng tiền Đồng tương ứng 300.000-400.000 tỷ. Số dư tiền VNĐ này giúp hệ thống ngân hàng không gặp quá nhiều áp lực khi tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động.
Tuy nhiên, từ đầu năm nay, NHNN không chỉ ngừng mua USD mà còn bán ròng ngoại tệ này, xấp xỉ 12-13 tỷ USD, bao gồm cả bán giao ngay và kỳ hạn, qua đó rút về lượng lớn tiền Đồng.
Quang Thắng