Vietstock - Ngân sách hụt thu trăm ngàn tỷ, nhiều tỉnh vẫn chi tiền sai quy định
Kết quả kiểm toán 9 tháng đầu năm 2020 cho thấy còn một số địa phương miễn giảm tiền thuê đất chưa phù hợp quy định và chưa điều chỉnh đơn giá tiền thuê đất khi hết thời gian ổn định thuê đất.
* Nợ công năm 2021 sẽ vượt ngưỡng 4 triệu tỉ đồng
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo đánh giá thực hiện ngân sách 2020 và dự toán 2021. Theo đó, số liệu Kiểm toán Nhà nước nhận được cho thấy thu nội địa năm 2020 ước đạt trên 1,11 triệu tỷ đồng, hụt thu 148,5 nghìn tỷ đồng, giảm 11,7% so với dự toán giao và giảm 12,4% so với thực hiện năm 2019.
Đối với các khoản thu ngân sách về nhà đất, ước thực hiện tăng 26,7 nghìn tỷ đồng (+21,4%), trong đó chủ yếu là do ước tăng thu tiền sử dụng đất (Chính phủ ước thu cả năm vượt 25,1 nghìn tỷ đồng, tăng 26,2% so với dự toán), tiền thuê đất, thuê mặt nước (ước thực hiện tăng 2.413 tỷ đồng, tăng 9,5% so với dự toán).
Thu ngân sách năm 2020 đối mặt khó khăn do ảnh hưởng của Covid - 19.
|
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước lưu ý: Chính phủ cần phân tích kỹ khả năng thực hiện dự toán do qua kết quả kiểm toán 9 tháng đầu năm 2020 cho thấy còn một số địa phương miễn giảm tiền thuê đất chưa phù hợp quy định và chưa điều chỉnh đơn giá tiền thuê đất khi hết thời gian ổn định thuê đất,...
Một số trường hợp miễn giảm tiền thuê đất, xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án chưa phù hợp quy định (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); miễn tiền thuê đất trong khoảng thời gian doanh nghiệp chậm làm thủ tục miễn (TP. Đà Nẵng; tỉnh Gia Lai); chưa điều chỉnh lại đơn giá thuê đất khi hết thời gian ổn định tiền thuê đất (TP. Đà Nẵng; tỉnh Lâm Đồng, Lạng Sơn, Hải Dương, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu); chưa thực hiện kê khai đầy đủ, kịp thời tiền thuê đất phải nộp một lần đối với đất đã cho thuê lại theo hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê trước ngày 1/7/2014 theo quy định (tỉnh Long An); sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuê đất, hợp đồng thuê đất (TP. Hải Phòng, Đà Nẵng); cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất sử dụng cho thương mại, dịch vụ chưa đúng theo quy định (tỉnh Bến Tre)...
Ngoài ra, kết quả kiểm toán tính đến 30/9/2020 đã kiến nghị xử lý tài chính giảm chi ngân sách nhà nước 10.700 tỷ đồng. Một số bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước về xử lý số dư kinh phí và số dư dự toán chuyển năm sau; chưa thực hiện đúng quy định về công tác phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc.
Một số địa phương sử dụng sai nguồn 366 tỷ đồng, gồm tỉnh Long An 209 tỷ đồng; Lâm Đồng 99,2 tỷ đồng; Trà Vinh 20,4 Ninh Bình 17,3 tỷ đồng... Trong đó 3 địa phương sử dụng nguồn tăng thu, thu sử dụng đất... để bổ sung chi thường xuyên 218,7 tỷ đồng (Tỉnh Long An 209 tỷ đồng; Hà Tĩnh 6,7 tỷ đồng; Ninh Bình 2,9 tỷ đồng).
Ngoài ra, còn trường hợp kéo dài kế hoạch vốn đầu tư từ năm 2018 sang năm 2020 không đúng quy định. Cụ thể: TP. Hải Phòng 135,6 tỷ đồng (vốn trái phiếu chính phủ); tỉnh Hải Dương 1,6 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương); Bến Tre 36,5 tỷ đồng (vốn xổ số kiến thiết); Cao Bằng 92,2 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương); Lạng Sơn 58,3 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương).
Dự toán thu cân đối NSNN năm 2021 là 1,34 triệu tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, giảm 11,1% so với dự toán năm 2020. Báo cáo dự toán của các đơn vị gửi Kiểm toán Nhà nước cho thấy: Có 39 địa phương dự báo nguồn thu nội địa năm 2021 thấp hơn mức tăng tối thiểu bình quân chung cả nước; 20 địa phương dự báo nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu thấp hơn mức tăng bình quân tối thiểu 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020… |
Lương Bằng