Vietstock - Ngân hàng siết chặt cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản
Trong nửa đầu năm 2022, các ngân hàng sẽ tiếp tục siết chặt dòng vốn vào những lĩnh vực rủi ro cao như đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản...
Đây là một trong những kết quả tại Cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng tháng 12-2021, do Ngân hàng Nhà nước vừa công bố.
Theo khảo sát này, trong năm 2021, các tổ chức tín dụng đánh giá nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tăng cao hơn so với năm trước nhưng chưa đạt được như kỳ vọng nhưng dự báo sẽ cải thiện hơn trong quý I/2022 và cả năm 2022.
Cụ thể, các ngân hàng dự báo nhu cầu tín dụng của khách hàng doanh nghiệp cao hơn khách hàng cá nhân; tín dụng ngắn hạn cao hơn tín dụng trung dài hạn. Nhu cầu vay phục vụ đời sống và tiêu dùng sau khi tăng thấp nhất trong năm 2021 sẽ hồi phục và tăng cao vào năm 2022. Các ngân hàng tiếp tục ưu tiên dòng vốn đổ vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh xuất nhập khẩu, mua nhà để ở, sản xuất, phân phối điện và xây dựng…
Vốn tín dụng ngân hàng vào đầu tư kinh doanh bất động sản sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt |
Cũng theo kết quả điều tra, trong 6 tháng cuối năm 2021, các tổ chức tín dụng đã thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân, giảm phí phi lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và cũng "thắt chặt hơn" yêu cầu về tài sản bảo đảm, các điều khoản bổ sung trong hợp đồng, yêu cầu điểm xếp hạng tín nhiệm tối thiểu của khách hàng và hạn mức tín dụng đối với khách hàng để đảm bảo an toàn tín dụng.
Xu hướng này dự kiến tiếp tục diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2022 khi các tổ chức tín dụng tiếp tục thu hẹp chênh lệch lãi suất biên, gia tăng quy mô khoản vay hoặc hạn mức tín dụng tối đa để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi dự kiến tiếp tục thắt chặt mạnh hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản và sử dụng thẻ tín dụng.
Trong xu hướng này, các ngân hàng cũng dự kiến sẽ giảm dòng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản, xuống còn khoảng 23,8% trong 6 tháng đầu năm 2022 từ mức 29,7% của 6 tháng đầu năm 2021 do là lĩnh vực được dự báo mức độ rủi ro tăng cao nhất.
Tại họp báo tổng kết ngành ngân hàng năm 2021 mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh phải hướng dòng vốn tín dụng năm 2022 vào lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạn chế tín dụng đen.
Còn vốn vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản hay kênh trái phiếu, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là phải kiểm soát chặt.
"Với lĩnh vực bất động sản, vẫn tạo điều kiện cho bất động sản nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thực sự, chính đáng. Còn bất động sản đầu cơ, dự án lớn có hệ số rủi ro cao thì vẫn kiểm soát chặt chẽ" - ông Đào Minh Tú nói.
Thái Phương. Ảnh: Lam Giang