Vietstock - Ngân hàng chỉ được mua TPDN khi tỷ lệ nợ xấu dưới 3%?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo thông tư quy định việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của tổ chức tín dụng, chi nhánh, ngân hàng nước ngoài.
Nội dung dự thảo dựa trên cơ sở kế thừa Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ban hành ngày 30/6/2016, Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18/06/2018 và bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, tình hình hoạt động của các TCTD nhằm bảo đảm kiểm soát hoạt động mua, bán TPDN của các TCTD phát triển lành mạnh, bền vững; đồng thời, bổ sung nội dung quy định về hoạt động mua TPDN giữa các TCTD và hoạt động bán TPDN của các TCTD để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua, bán TPDN của các TCTD; qua đó quản lý các hoạt động này thống nhất với các hoạt động cấp tín dụng và hoạt động mua, bán nợ của TCTD.
Nội dung thông tư quy định “TCTD chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm liền kề trước năm mua TPDN, trừ trường hợp mua TPDN theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
TCTD không được mua trái phiếu (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của doanh nghiệp phát hành có phát sinh nợ xấu tại TCTD mua và tại TCTD khác trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm quyết định phê duyệt mua.
Những quy định này nhằm hạn chế các TCTD không kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới 3% nhưng vẫn thực hiện mua bán TPDN, đồng thời góp phần hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD.
Đồng thời, thông tư cũng có Quy định “TCTD không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành”. Quy định doanh nghiệp được phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp và cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp. Theo đó, thời gian qua đã phát sinh việc TCTD mua TPDN phát hành với mục đích để cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ. Theo đó, trường hợp một đợt phát hành TPDN với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích cơ cấu lại khoản nợ, thì TCTD cũng không được mua TPDN.
Ngoài ra, thông tư cũng quy định “TCTD (HM:CTD) không được mua TPDN phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác” nhằm hạn chế TCTD không được mua trái phiếu phát hành để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, vì qua công tác kiểm tra hoạt động của TCTD, phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động, nhưng thực tế huy động vốn để góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác, để các doanh nghiệp này thực hiện dự án hoặc tiếp tục thực hiện góp vốn, mua cổ phần... Do đó, TCTD khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, dòng tiền từ nguồn phát hành trái phiếu, tình hình thực hiện dự án.
Dự thảo còn quy định thêm “TCTD mua TPDN với mục đích nắm giữ đến ngày đáo hạn, khi chuyển đổi mục đích nắm giữ trái phiếu và thực hiện bán TPDN này cho TCTD khác thì trong vòng 12 tháng không mua lại các TPDN đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với TPDN đã bán, trừ trường hợp bán TPDN theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật” nhằm quản lý hoạt động mua, bán TPDN giữa các TCTD thống nhất với việc quản lý hoạt động mua, bán nợ của các TCTD và các quy định của pháp luật liên quan, tránh trường hợp các TCTD bán TPDN cho TCTD khác vào cuối năm và mua lại vào đầu năm sau để tìm cách không tuân thủ quy định của NHNN về kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm...
Hàn Đông