Vietstock - Mỹ từ chối bản bình luận của 40 doanh nghiệp tủ gỗ từ Việt Nam
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa từ chối bản bình luận của 40 doanh nghiệp tủ bếp, tủ nhà tắm từ Việt Nam cho nội dung điều tra xem xét phạm vi sản phẩm liên quan đến cuộc thu thập thông tin về điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại nhập khẩu từ Việt Nam.
Mỹ khởi xướng điều tra xem xét phạm vi sản phẩm với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh minh họa: TL |
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa có công văn gửi đến hiệp hội này thông tin về việc DOC từ chối bản bình luận của 40 doanh nghiệp tủ bếp, tủ nhà tắm cho nội dung điều tra xem xét phạm vi sản phẩm (scope inquiry).
Nguyên nhân do các doanh nghiệp này nộp bản bình luận muộn hơn thời hạn quy định (deadline). DOC đã yêu cầu các doanh nghiệp chủ động gỡ bỏ/xóa các tập tài liệu (file) đã nộp trên hệ thống.
Cục Phòng vệ thương mại cũng khuyến cáo các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, tránh bị đưa vào trường hợp không hợp tác theo đánh giá của DOC.
Cụ thể, ngày 29-7-2022 cùng ngày 3 và 4-8-2022, DOC xác định một số bản bình luận (bao gồm việc cung cấp các thông tin liên quan đến vụ việc) do các bên liên quan nộp trong vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm (scope inquiry) đã được nộp không đúng thời hạn và bị từ chối.
Các quy định của thương mại, tại 19 CFR 351.302 (d) (ii), với điều kiện là DOC sẽ không xem xét hoặc lưu giữ trên hồ sơ chính thức thông tin thực tế được nộp kịp thời. Do đó, DOC yêu cầu các doanh nghiệp xóa và xóa khỏi truy cập các mã vạch tài liệu nói trên.
Còn đối với các bản bình luận cho nội dung điều tra chống lẩn tránh thuế, hiện DOC chưa có thông báo chính thức nào.
Trước đó, ngày 24-5-2022, DOC đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Mỹ sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi áp dụng của biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ đang áp dụng với sản phẩm tương tự của Trung Quốc hay không.
Theo đó, DOC đã khởi xướng điều tra cả 2 nội dung trong đơn đề nghị của nguyên đơn về xem xét phạm vi sản phẩm (scope ruling) và lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (anti-circumvention) với sản phẩm tủ gỗ.
Theo quy định pháp luật của Mỹ, trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng, DOC phải ra kết luận cuối cùng của vụ việc, có thể gia hạn, nhưng tổng thời gian không quá 365 ngày.
Để đảm bảo lợi ích chính đáng của chính doanh nghiệp, khi đó Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tủ gỗ tiếp tục nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Mỹ; thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Mỹ; phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.
Khi đó, DOC đã thông báo thời gian nộp bình luận và phản biện trong vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm đối với mặt hàng tủ gỗ nội thất của Việt Nam tới ngày 7-7-2022, để các bên liên quan có thêm thời gian rà soát, chỉnh sửa bản bình luận cho phù hợp với quy định và thể thức mà DOC yêu cầu.
Trong khi đó, thời hạn nộp ý kiến phản biện và thông tin dữ liệu thực tế của các bên đối với cáo buộc tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ cũng như ý kiến đối với số liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) không muộn hơn 17 giờ ngày 4-8-2022 (giờ miền Đông Mỹ – Eastern Time).
Thực tế, ngành gỗ thời gian qua đang đứng trước rủi ro ngày càng tăng liên quan đến các vụ kiện chống bán phá giá, truy xuất vi phạm nguồn gốc xuất xứ. Để tránh các rủi ro về phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp được khuyến cáo tăng cường kiểm soát gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp, đa dạng thị trường xuất khẩu, tránh quá tập trung vào một thị trường…
Tháng 4-2020, Mỹ đã ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) với cùng loại sản phẩm trên có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế CBPG là từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế CTC là từ 13,33% đến 293,45%.Theo dữ liệu sơ bộ từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC), trong năm 2021, giá trị xuất khẩu sản phẩm bị đề nghị điều tra của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 2,7 tỉ đô la Mỹ. Trong giai đoạn 2019-2021, sau khi Mỹ áp thuế với Trung Quốc, nhập khẩu sản phẩm bị đề nghị điều tra từ Trung Quốc vào Mỹ giảm 54% (từ 2,5 xuống còn 1,6 tỉ đô la), trong khi đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ lại tăng tới hơn 130% (từ 1,37 lên 2,7 tỉ đô la).
Lê Hoàng