Vietstock - Một số cân nhắc về xây dựng tiền số ngân hàng trung ương ở Việt Nam
LTS: Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa giao Bộ Tài chính chủ trì làm việc, trao đổi thống nhất với Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan để xác định cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa.
Tạp chí Kinh tế Sài Gòn xin giới thiệu một số góc nhìn của các chuyên gia có nghiên cứu về vấn đề này, nhằm góp tiếng nói xây dựng pháp luật, chính sách trong một lĩnh vực mới mẻ ở nước ta.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang thực hiện Đề án hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, theo Quyết định 1255 ngày 21-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Với tư cách là một một loại tiền điện tử, đang được nghiên cứu và/hoặc triển khai ở nhiều nước nên tiền số ngân hàng trung ương (CBDC) chắc chắn sẽ phải là một trong những mục tiêu của đề án này.
Bài viết sẽ nêu một số cân nhắc hữu ích cho quá trình nghiên cứu và triển khai CBDC ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Trào lưu xây dựng CBDC
CBDC là một dạng thức mới của tiền do ngân hàng trung ương (NHTƯ) phát hành dưới dạng số. Nó khác với tiền mà các ngân hàng thương mại gửi dự trữ hoặc gửi thanh toán tại NHTƯ. Để đáp lại sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán số và sự ra đời của các đồng tiền số ổn định (stablecoin) mang tính thương mại, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, có đến 86% NHTƯ trên thế giới hiện đang nghiên cứu sâu rộng CBDC như một công cụ thanh toán thuận tiện, năng động và an toàn.
Một số trong số này đã hoàn thành và triển khai CBDC, như NHTƯ Bahamas (10-2020), NHTƯ Đông Caribbean (4-2021). Một số khác thì đang xem xét hoặc đã triển khai phiên bản số của đồng bản tệ như Trung Quốc và Campuchia. Thụy Điển đang thực hiện dự án đồng “e-krona”. Mỹ cũng đang xem xét thiết lập cơ sở hạ tầng cho CBDC…
Trào lưu xây dựng CBDC dựa trên những lợi ích của CBDC, gồm thúc đẩy số hóa nền kinh tế, thúc đẩy sáng tạo trong các hệ thống tiền tệ và thanh toán, ổn định tài chính, thanh toán trong nước hiệu quả, giảm tính độc quyền của hệ thống/kênh thanh toán tư nhân, cho phép thực hiện thanh toán xuyên biên giới an toàn, nhanh chóng và hiệu quả hơn, làm cho các dòng vốn lưu chuyển trơn tru hơn trên toàn thế giới.
Tiền số nếu được triển khai trên quy mô lớn sẽ thúc đẩy bao trùm tài chính, đặc biệt là cho bộ phận dân số không tiếp cận được với hệ thống ngân hàng. Quan trọng nữa là nếu NHTƯ một nước không tung ra CBDC của riêng mình thì sẽ bị các stablecoin và CBDC của NHTƯ của các nước khác cạnh tranh và thay thế bản tệ của mình.
Tuy vậy, CBDC có thành công hay không phụ thuộc vào việc nó có phát huy được vai trò thay thế tiền mặt đối với người sử dụng, bao gồm người tiêu dùng, các tổ chức tài chính trung gian, và NHTƯ hay không. Nói cách khác, sự thành công của CBDC phụ thuộc vào chức năng của nó như một phương tiện trao đổi có tính ổn định và thuận lợi hơn so với tiền mặt.
Thiết kế và xây dựng CBDC
CBDC có một số thuộc tính cần cân nhắc, và kèm theo đó là các lựa chọn về thiết kế. Về loại hình phát hành, CBDC có thể được phát hành kiểu bán lẻ (phát hành cho người tiêu dùng nói chung) hay bán buôn (phát hành cho các tổ chức tài chính có tiền gửi dự trữ tại NHTƯ, có thể dành cho mục đích duy nhất là thanh toán liên ngân hàng).
Sự thành công của CBDC phụ thuộc vào chức năng của nó như một phương tiện trao đổi có tính ổn định và thuận lợi hơn so với tiền mặt. |
Về khía cạnh ẩn danh, CBDC được chia thành hai loại, loại dựa vào tài khoản, và loại dựa vào token. Ở loại thứ nhất, CBDC được chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác. Còn loại CBDC thứ hai thì được chuyển qua các ví. NHTƯ vẫn có thể xác định được danh tính người sử dụng ở cả hai loại CBDC. Như vậy thì CBDC sẽ không có được tính ẩn danh như tiền mặt, tuy loại CBDC dựa vào token có được sự ẩn danh ở một mức độ nào đó.
Về khía cạnh tiếp cận và trái quyền pháp lý, CBDC (được phát hành theo kiểu bán lẻ) có thể là trực tiếp, gián tiếp, hoặc lai giữa hai loại này. CBDC trực tiếp thì có trái quyền trực tiếp với NHTƯ, và NHTƯ thực hiện thanh toán trực tiếp. CBDC gián tiếp thì có trái quyền đối với các tổ chức tài chính trung gian; các tổ chức này thực hiện thanh toán bán lẻ và NHTƯ thực hiện thanh toán bán buôn. CBDC lai thì vẫn có trái quyền trực tiếp với NHTƯ nhưng NHTƯ chỉ thực hiện thanh toán số dư bán lẻ định kỳ.
Về khía cạnh trả lãi, trên lý thuyết thì có loại CBDC được trả lãi (với thuộc tính giống tiền gửi ngân hàng) hoặc không (giống tiền mặt). Cho đến nay chưa có NHTƯ nào xem xét phát hành loại CBDC được trả lãi. Trong khi CBDC được trả lãi có thể làm suy yếu nhanh chóng vai trò trung gian tài chính của ngân hàng, nó lại giúp giảm nhẹ các cú sốc vĩ mô đến từ việc không còn tiền mặt.
Về khía cạnh bản vị, CBDC có thể được gắn giá trị (peg) với ngoại tệ nếu nền kinh tế nội địa bất ổn về vĩ mô với lạm phát phi mã như ở Venezuela, tuy điều này sẽ phải trả giá bằng sự suy giảm và mất đi tính tự chủ của chính sách tiền tệ quốc gia.
Tác động vĩ mô
CBDC có thể có nhiều tác động vĩ mô, tùy vào thiết kế và công nghệ được sử dụng cho nó, có được hưởng lãi hay không, và quy mô của nền kinh tế.
Vì được phát hành dựa trên công nghệ sổ cái số nên CBCD làm suy yếu vai trò của các đối tác truyền thống như ngân hàng thương mại và các trung gian tài chính và giảm quy mô cho vay của chúng. Điều này càng đúng với một nước đang phát triển như Việt Nam, nơi mà cơ sở hạ tầng tài chính vẫn còn hạn chế nên thường có xu hướng dựa vào (công ty) công nghệ tài chính (FinTech) để phổ cập dịch vụ tài chính cho bộ phận dân số không tiếp cận được với hệ thống ngân hàng. FinTech cũng là một lựa chọn thay thế ngân hàng ngay cả đối với những người tiếp cận được với hệ thống ngân hàng.
Tác động của việc thay thế ngân hàng nói trên của CBDC cũng sẽ làm suy yếu vai trò của ngân hàng thương mại trong việc thực thi chính sách tiền tệ của NHTƯ. Không giống như ở các nước phát triển có các định chế tài chính chín muồi, ở các nước đang phát triển, sự chuyển dịch trên quy mô lớn dòng tiền gửi ngân hàng (nơi lòng tin và/hoặc tính hấp dẫn của chúng còn thấp) sang nắm giữ CBDC bởi người dân, doanh nghiệp và những tổ chức nắm giữ tiền gửi phi ngân hàng sẽ làm giảm thanh khoản ngân hàng, ảnh hưởng đến khả năng cho vay tín dụng của chúng. Điều này chỉ có thể khắc phục bằng cách hạn chế quy mô giao dịch và quy mô tài khoản, giống như đang được thực hiện với các tổ chức nhận tiền gửi phi ngân hàng hiện nay.
Ngược lại, CBDC nếu được sử dụng như một công cụ thanh toán bán buôn sẽ làm giảm thời gian thanh toán cũng như số tiền bị đọng giữa các lần thanh toán tổng. Do đó, các nhà làm chính sách phải tính đến các tác động vĩ mô này khi thiết kế chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, như nói ở trên về khía cạnh nội tệ bị cạnh tranh, thay thế bởi CBDC của nước ngoài, CBDC của Việt Nam, nếu có, sẽ phải được thiết kế sao cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính rộng rãi đón nhận và sử dụng mà không cần, không có nhu cầu phải chuyển sang dùng CBDC hay stablecoin của các nước khác, tương tự như nỗ lực hạn chế đô la hóa và nâng cao lòng tin vào tiền đồng hiện nay.
Để đạt mục đích này thì CBDC của Việt Nam không chỉ cần tối ưu về thiết kế và công nghệ, kể cả chi phí nắm giữ/sử dụng, mức độ tiện dụng đi kèm với khả năng bảo mật, an toàn… để thu hút và hấp dẫn người sử dụng, mà, trên hết, Việt Nam còn phải duy trì và thực thi được sự tăng trưởng kinh tế bền vững, một nền tảng vĩ mô ổn định và lành mạnh với lạm phát thấp.
Tóm lại, việc triển khai CBDC ở Việt Nam gần như là điều bắt buộc chứ không còn là một lựa chọn chính sách nữa nếu đặt lên bàn cân cái lợi và hại của việc có và không có CBDC riêng của mình. Việc triển khai CBDC, về mặt kỹ thuật, sẽ không phải là một thách thức lớn. Thay vào đó, điều cốt lõi vẫn phải là duy trì được lòng tin và sự ưa thích của người sử dụng đối với CBDC của Việt Nam, tương tự như với tiền đồng hiện tại.
Phan Minh Ngọc