Vietstock - Mobile Money vẫn đang “dò đường”
Nếu so sánh đơn thuần với các dịch vụ viễn thông khác về tốc độ phát triển thuê bao trong cùng thời gian hai tháng dịch vụ có mặt trên thị trường thì Mobile Money có tốc độ triển khai khá chậm. Lãnh đạo nhiều nhà mạng cho rằng dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) vẫn đang ở giai đoạn… “dò đường”...
Số thuê bao Mobile Money hiện nay mới chỉ chiếm 0,47% trong tổng số 122,6 triệu thuê bao di động - Ảnh minh họa. |
Trong kế hoạch công tác năm 2022, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đặt ra mục tiêu 100% người sử dụng điện thoại di động có tài khoản Mobile Money.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, dịch vụ Mobile Money hiện đang có 588.000 thuê bao, trong đó mạng Viettel có 402 nghìn khách hàng sử dụng dịch vụ kể từ khi nhà mạng này cung cấp Mobile Money từ tháng đầu tháng 12/2021, còn VNPT (VNPT VinaPhone) tuy cung cấp sớm hơn Viettel một tuần nhưng cũng mới chỉ có gần 200 nghìn thuê bao Mobile Money.
TIỀN TRONG MOBILE MONEY CHƯA BIẾT "DÙNG VIỆC GÌ"
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tuy có điểm danh mạng MobiFone chính thức ra mắt dịch vụ từ 21/2/2022 nhưng vẫn chưa có số liệu về người dùng cũng như điểm chấp nhận thanh toán. Theo tìm hiểu của VnEconomy, Mobile Money của MobiFone cũng đã có được vài nghìn thuê bao nhưng mới chỉ ở dạng test và thử nghiệm nội bộ.
Số lượng thuê bao Mobile Money chính thức trên 588 nghìn có thể xem là một trong số ít dịch vụ có tốc độ phát triển thuê bao chậm nhất so với các dịch vụ viễn thông của các nhà mạng lâu nay, tất nhiên Mobile Money do là phương thức/dịch vụ thanh toán nên có những quy định, điều kiện và ràng buộc chặt chẽ hơn rất nhiều. Số thuê bao Mobile Money hiện nay mới chỉ chiếm 0,47% trong tổng số 122,6 triệu thuê bao di động.
Số lượng thuê bao Mobile Money phát triển vẫn khá chậm. |
Số lượng thuê bao Mobile Money so với việc chuẩn bị đầu tư hạ tầng mạng lưới của các nhà mạng, đặc biệt như Viettel và VNPT với 2.262 điểm kinh doanh phủ rộng khắp 63 tỉnh, thành phố cả nước, trong đó Viettel là 1.161 điểm, VNPT 1.102 điểm, số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán đạt 77.159 điểm (Viettel 68.000 điểm và VNPT 9.159 điểm thanh toán), cũng được xem phát triển chưa được như kỳ vọng.
Lãnh đạo một nhà mạng cho biết: Mobile Money mới chủ yếu được dùng trong các dịch vụ thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia, một số dịch vụ hành chính công, trong khi vô vàn các thứ khác có thể dùng Mobile Money để thanh toán nhưng chưa phát huy được. Vị đại diện nhà mạng này cho rằng một việc mà hiện các doanh nghiệp viễn thông (đã cung cấp dịch vụ) chưa làm được là tiền vào tài khoản Mobile Money rồi nhưng không biết (để khách hàng) dùng/tiêu tiền đó vào việc gì. “Làm sao phải như Trung Quốc, bà hàng sén, tạp hóa bán hàng thu tiền qua Mobile Money thì dịch vụ này mới phát triển nhanh được”, vị này nói.
Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng giám đốc MobiFone cho rằng Mobile Money chưa thể bùng nổ vì đang trong giai đoạn thử nghiệm, “dò đường”, thêm nữa các quy định chặt chẽ về xác thực thông tin với người dùng/thuê bao nên cũng có độ trễ và cần thời gian. Cụ thể, để dùng Mobile Money thì bắt buộc dữ liệu của người dùng dịch vụ phải trùng với cơ sở dữ liệu của thuê bao (chính chủ số điện thoại), những thuê bao được người khác đứng tên đều không được dùng.
Ngoài ra, theo ông Nam, rất nhiều thuê bao điện thoại di động chủ yếu đăng ký theo số chứng minh nhân dân cũ trước đây, trong khi khách hàng bây giờ đều đã chuyển sang căn cước công dân nên thuê bao chứng minh nhân dân cũ này cũng không được đăng ký mà phải ra điểm kinh doanh của nhà mạng cập nhật lại thì mới có thể được sử dụng dịch vụ Mobile Money. Quy định này ít nhiều khiến người dùng ngại đi cập nhật thông tin nên cũng chưa sẵn sàng sử dụng dịch vụ.
“Chính vì thế thời gian qua MobiFone tập trung đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống, kiểm tra các nghiệp vụ xem vướng chỗ nào, nghĩ cách giải quyết các bài toán cho khách hàng, đặc biệt là việc cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu cho khách hàng, xem phương án nào phù hợp, đơn giản để không bắt khách hàng ra cửa hàng cập nhật thông tin. Khi mọi công đoạn đều hoàn thiện, trơn tru chúng tôi sẽ bung dịch vụ ra thị trường”, ông Nam chia sẻ.
KHI NÀO BÙNG NỔ?
Lãnh đạo nhiều nhà mạng đều khẳng định Mobile Money là dịch vụ quan trọng và then chốt sẽ được các doanh nghiệp tập trung đầu tư, phát triển mạnh trong năm 2022. Ông Nguyễn Trường Giang, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone), cho biết trong hơn một tháng cuối năm 2021 khi cung cấp dịch vụ, thuê bao Mobile Money của VNPT VinaPhone còn phát triển ít, nhưng từ tháng 1/2022 đến nay, tốc độ phát triển thuê bao Mobile Money của VinaPhone đang tăng theo cấp số nhân, gấp 10 lần so với thời điểm trước đó (năm 2021).
"Lãnh đạo các nhà mạng tin tưởng rằng khoảng quý 3 năm nay, khi quy mô về hạ tầng bao gồm các điểm chấp nhận thanh toán, các điểm rút tiền nạp tiền mới đủ phổ biến, đủ rộng, khi thói quen người tiêu dùng đã hình thành, người dùng thấy dễ, thấy thuận lợi thì sẽ dùng nhiều hơn, và khi đó thị trường Mobile Money sẽ bùng nổ". |
“Tất nhiên so với tiềm năng cũng như tổng số thuê bao di động hiện có của VinaPhone, số người dùng Mobile Money còn khá bé. Nhưng đây là dịch vụ rất quan trọng. Theo quan điểm của VNPT VinaPhone thì đây là một lĩnh vực rất mới, là phương thức thanh toán, nên cũng làm thận trọng”, ông Giang cho hay.
Các ví điện tử với vài chục ví đang bùng nổ và rất phát triển hiện nay đang được xem là đối thủ chính của Mobile Money. Dịch vụ để đến tay người dùng nhanh nhất, rộng rãi nhất, ở giai đoạn đầu của mỗi sản phẩm, dịch vụ không còn cách nào khác nhanh như là bằng khuyến mại. Khuyến mại càng nhiều, người dùng tìm đến dịch vụ càng nhanh. Tuy nhiên, theo đại diện nhiều nhà mạng, do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Mobile Money đều là doanh nghiệp nhà nước không thể bạo tay khuyến mại kiểu “đốt tiền” như các ví điện tử, mà các ví đến nay hầu hết đều lỗ, nhiều ví lỗ tới cả nghìn tỷ đồng.
Vậy nếu không đi được bằng “con đường khuyến mại” như các ví điện tử thì cần những yếu tố gì để dịch vụ Mobile Money bùng nổ?
Theo ông Bùi Sơn Nam, dịch vụ muốn bùng nổ ngoài việc hoàn thiện về mặt hạ tầng, nghiệp vụ, chuẩn hóa dữ liệu khách hàng, điểm chấp thanh toán (merchant) phải đầy đủ, phủ rộng, thì còn phải rất dễ cho khách hàng ở cả khâu đăng ký sử dụng lẫn việc trải nghiệm dịch vụ. Ông Nam cũng như lãnh đạo các nhà mạng tin tưởng rằng khoảng quý 3 năm nay, khi quy mô về hạ tầng bao gồm các điểm chấp nhận thanh toán, các điểm rút tiền nạp tiền mới đủ phổ biến, đủ rộng, khi thói quen người tiêu dùng đã hình thành, người dùng thấy dễ, thấy thuận lợi thì sẽ dùng nhiều hơn, và khi đó thị trường Mobile Money sẽ bùng nổ.
Một trong những nhiệm vụ được Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra trong năm nay là xây dựng các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý, giám sát hoạt động triển khai Mobile Money của doanh nghiệp. Theo đó các quy định pháp luật về bảo mật, an toàn thông tin, dữ liệu, cơ sở dữ liệu định danh khách hàng dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên được ưu tiên xây dựng, nhằm hạn chế các rủi ro về bảo mật thông tin. “Sự hợp lực tích cực của cơ quan quản lý sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để làm bùng nổ Mobile Money”, lãnh đạo chuyên trách về mảng sản phẩm dịch vụ Mobile Money của một nhà mạng nhìn nhận.
Giới chuyên gia cho rằng, hiện nay 95-98% các giao dịch có giá trị dưới 100 nghìn đồng vẫn được thanh toán bằng tiền mặt nên “đất” vẫn còn vô cùng rộng lớn để dịch vụ Mobile Money phát triển và bùng nổ. Tuy nhiên, để hình thành thói quen thanh toán mới, cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính để người dân thấy rõ lợi ích khi sử dụng dịch vụ Mobile Money trên cả khía cạnh lợi ích tài chính và tính thuận tiện trong sử dụng, nhất là với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, không thể tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.
Thủy Diệu