Vietstock - Luật Thuế thu nhập cá nhân chưa… công bằng và hợp lý
Theo chuyên gia, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay chưa công bằng và hợp lý. Đơn cử như khoản học phí giữa người lao động trong nước và người nước ngoài làm việc ở Việt Nam.
Bất hợp lý hiện nay là các doanh nghiệp được trừ các khoản chi phí khi tính thuế thu nhập, trong khi cá nhân lại không được khấu trừ.
|
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Góp ý sửa đổi luật này, nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung quy định các khoản chi phí hợp lý và có hóa đơn, chứng từ của người dân phải được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Bình luận về vấn đề này, luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cũng chỉ ra rằng Luật Thuế Thuế thu nhập cá nhân hiện hành chưa hợp lý và công bằng. Đơn cử như khoản học phí giữa người lao động trong nước và người nước ngoài làm việc ở Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong ba tháng đầu năm nay, khoản thu từ thuế TNCN tăng hơn 20%, lên tới 50.700 tỉ đồng, hoàn thành gần một nửa kế hoạch cả năm.
Trước đó, số thu từ thuế TNCN năm 2021 đạt khoảng 123.000 tỉ đồng, đạt 114% dự toán và tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Cụ thể, theo Luật Thuế TNCN, khoản tiền học phí theo quy định cho con của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, theo bậc học từ mầm non đến THPT do người sử dụng lao động trả hộ thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.
Bên cạnh đó, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được khấu trừ khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi về phép mỗi năm một lần trước khi tính thuế… Ngược lại, người lao động trong nước lại không được khấu trừ khoản tiền mua vé máy bay, không được khấu trừ khoản học phí cho con khi tính thuế TNCN.
“Đây là điều bất hợp lý, vì vậy Bộ Tài chính cần đề xuất sửa đổi Luật Thuế TNCN theo hướng tiền học phí cho con của người lao động Việt Nam cũng được trừ khi tính thuế TNCN. Ví dụ, người lao động có con đang học bậc mầm non, tiểu học thì quy định mức học phí được khấu trừ là 1 triệu đồng/tháng/người con; bậc THCS và THPT mức học phí được khấu trừ 1,5 triệu đồng/tháng và sinh viên nâng lên mức 2 triệu đồng/tháng”, ông Xoa đề xuất.
Theo các chuyên gia, chính sách thuế TNCN hiện nay có nhiều bất cập, chưa theo kịp mức sống của người dân và lạm phát. Chẳng hạn tiền thuê nhà đối với người lao động không được trừ khi tính thuế TNCN.
Từ thực tế trên, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, cho rằng cần nghiên cứu, xem xét sửa Luật Thuế TNCN theo hướng chấp nhận các chi phí hợp lý liên quan tới thu nhập tính thuế như tiền thuê nhà. Chi phí này rất lớn đối với người lao động, hơn nữa số lượng người chưa mua được nhà ở TP phải thuê nhà trọ, phòng trọ rất nhiều.
Ngoài ra, luật sư Nghĩa cũng đề xuất nên quy định khấu trừ chi phí lãi vay ngân hàng khi người dân mua căn nhà đầu tiên để ở. Chính sách này vừa góp phần giảm bớt gánh nặng cho người dân vừa tạo điều kiện cho nhiều người dân được mua nhà, thị trường nhà ở phát triển.
Về lo ngại thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân giảm khi khấu trừ tiền học phí, tiền điều trị bệnh nan y, hiểm nghèo, hay lãi vay mua nhà…, các chuyên gia cho rằng nguồn thu thuế sẽ không giảm. Chuyên gia thuế Trần Xoa phân tích: Khi các chi phí được khấu trừ thì người nộp thuế phải lấy hóa đơn. Đây là một trong những biện pháp khuyến khích người dân lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ. Khi đó, các nhà kinh doanh và các tổ chức phải xuất hóa đơn khi bán hàng, qua đó doanh thu sẽ thể hiện rõ nên tránh được thất thu thuế rất lớn.
“Việc cho phép khấu trừ các khoản chi phí hợp lý sẽ tạo sự công bằng, hợp lý trong chính sách thuế. Từ đó vừa khuyến kích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kinh tế tăng trưởng ổn định”, ông Xoa nhấn mạnh.
Đỗ Huyền