Vietstock - Lợi nhuận VPBank (HM:VPB) tăng 25% sau 9 tháng
Theo BCTC hợp nhất quý 3/2021 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) báo lãi trước thuế 9 tháng tăng 25% so với cùng kỳ, đạt 11,736 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm, hoạt động chính của VPBank tăng 9%, thu được 25,826 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 23%, lên mức 2,862 tỷ đồng, chủ yếu là thu nhập từ hoạt động dịch vụ và thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm.
Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư gấp 2.7 lần cùng kỳ, ghi nhận 2,367 tỷ đồng, do thu nhập tăng nhiều hơn chi phí và giảm trích lập dự phòng.
Lãi thuần từ hoạt động khác tăng 47%, đạt 2,223 tỷ đồng, do tăng thu từ các công cụ tài chính phái sinh khác, các khoản nợ đã xử lý thu hồi được…
Ở chiều ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh báo lỗ 46 tỷ đồng, mua bán chứng khoán đầu tư lỗ gần 5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 230 tỷ đồng.
Bằng cách đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thông qua công cụ số hóa, thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất trong 3 quý vừa qua đạt 2,700 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.
Kỳ này, Ngân hàng tăng 32% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trích 13,631 tỷ đồng. Kết quả, VPBank báo lãi trước thuế 9 tháng tăng 25% so với cùng kỳ, đạt 11,736 tỷ đồng.
Nếu so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 16,654 tỷ đồng được đề ra cho cả năm 2021, VPBank đã thực hiện được 70% sau 9 tháng đầu năm.
Tính riêng cho ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước và sau thuế 9 tháng đạt 14,475 tỷ đồng và 12,300 tỷ đồng, gấp 2.3 lần và gấp 2.5 lần cùng kỳ.
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 9, chi phí hoạt động hợp nhất của VPBank đã giảm 8.8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số CIR hợp nhất ở mức 23.7%. Các chỉ số hiệu quả ROA, ROE hợp nhất lần lượt đạt 2.8% và 21.6%.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2021 của VPB. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2021 của VPB
|
Các hoạt động đẩy mạnh nền tảng ngân hàng số cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME cũng đã mang lại những kết quả đáng kể. Trong 9 tháng đầu năm, VPBank thu hút hơn 2.6 triệu khách hàng mới. Tổng số giao dịch qua nền tảng ngân hàng số VPBank Neo trong 9 tháng đạt hơn 95 triệu, tăng 2.24 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ CASA của VPBank tiếp tục cải thiện ở mức 22.1%, tăng từ 18.8% ở thời điểm cuối quý 2/2021, góp phần giảm chi phí vốn cho ngân hàng.
Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản VPBank tăng 14% so với đầu năm, lên mức 479,431 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm 42% (còn 1,917 tỷ đồng), tiền gửi tại NHNN tăng 68% (9,701 tỷ đồng), tiền gửi tại các TCTD khác gấp 2.5 lần (34,832 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 9% (317,290 tỷ đồng)…
Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng nhẹ 3% so với đầu năm, lên mức 239,357 tỷ đồng. Tiền gửi của các TCTD khác gấp 4 lần đầu năm, đạt 38,860 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2021, tỷ lệ CAR theo Thông Tư 41 của ngân hàng đạt 12.42%.
Một số chỉ tiêu tài chính của VPB tính đến 30/09/2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2021 của VPB
|
Về chất lượng nợ vay, tính đến 30/09/2021, tổng nợ xấu hợp nhất của VPBank đạt 12,702 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm. Có sự dịch chuyển từ nợ có khả năng mất vốn sang nợ nghi ngờ. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 3.41% lên 4%.
Chất lượng nợ vay của VPB tính đến 30/09/2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2021 của VPB
|
Tính riêng ngân hàng mẹ, tổng nợ xấu tại thời điểm cuối quý 3 tăng 4% so với đầu năm, lên mức 5,814 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 2.52% đầu năm xuống còn 2.28%.
Hàn Đông