Theo Đông Hải
Investing.com -- Lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt đỉnh cao nhất trong 20 năm. Trong tháng 2, lạm phát của quốc gia này tăng tới 54,44% do đồng lira tiếp tục bị ảnh hưởng và giá năng lượng leo thang.
Theo Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Năm, giá hàng hóa tiêu dùng đã tăng 4,81% so với tháng trước. Chỉ số giá sản xuất tăng 7,22% so với tháng trước, ứng với mức tăng hàng năm là 105%.
Nhập khẩu năng lượng kỷ lục trong tháng Giêng đã khiến thâm hụt thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ tăng cao. Giá hàng hóa cũng tiếp tục tăng trong bối cảnh thị trường vốn lo ngại về thiếu hụt nguồn cung nay còn đứng trước biến số mới từ cuộc chiến của Nga và Ukraine. Dầu thô Brent tăng 53% tính đến thời điểm hiện tại.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ưu tiên tín dụng và xuất khẩu, trong khi giữ vững lập luận - vốn đi ngược lại tất cả các lý thuyết kinh tế chính thống - rằng việc tăng lãi suất thực sự làm trầm trọng thêm lạm phát hơn là kiềm chế nó.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt giảm lãi suất 500 điểm cơ bản kể từ tháng 9 xuống 14%.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất khoảng 47% giá trị năm qua trong bối cảnh ông Erdogan từ chối tăng tỷ giá khi lạm phát liên tục leo thang. Sự hỗn loạn của tiền tệ đã ảnh hưởng nặng nề đến người dân Thổ Nhĩ Kỳ khi giá trị tiền lương của họ giảm xuống và chi phí sinh hoạt tăng mạnh. Giá điện và khí đốt tự nhiên tăng chóng mặt cũng khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp ngày càng đau đầu hơn.
Con số lạm phát trong tháng Giêng của quốc gia này là 48,7%, cũng là kỷ lục trong 2 thập kỷ. Vào giữa tháng Hai, Erdogan tuyên bố sẽ "loại bỏ các quan điểm truyền thống về lãi suất" và hạ lạm phát xuống một con số. Ông đã đổ lỗi các vấn đề tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ là do “các công cụ tài chính nước ngoài”.
Ông Erdogan viện dẫn giáo lý đạo Hồi cho rằng lãi suất cao là một tội ác, vì vậy ông luôn tìm mọi cách để đưa lãi suất xuống thấp nhất có thể. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố: "Lãi suất đồng thời là cha đẻ và mẹ đẻ của mọi điều xấu xa". Vị tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang điều hành đất nước theo một học thuyết không giống ai khi tuyên bố: "Sau khi giảm lãi suất, chúng ta sẽ thấy lạm phát giảm xuống trong vài tháng nữa. Đất nước này sẽ không còn là thiên đường cho những kẻ làm giàu bằng lãi suất cao". Sau gần hai thập kỷ cầm quyền, ông Erdogan đã sa thải gần như mọi quan chức kinh tế cản trở quan điểm không chính thống của ông.
Chính quyền của ông Erdogan đang thúc đẩy chương trình lira hoá vĩnh viễn cũng như kế hoạch giải cứu nội tệ. Theo đó, ngân hàng trung ương sẽ bảo lãnh các khoản tiết kiệm bằng đồng lira bằng cách can thiệp và bù lỗ cho các khoản tiền gửi bằng nội tệ nếu giá trị của nó so với giỏ đồng tiền chủ chốt của thế giới xuống dưới lãi suất quy định của các ngân hàng.
Các nhà phân tích cho rằng kế hoạch này quá tốn kém và về cơ bản có thể dẫn đến một đợt tăng lãi suất tiềm ẩn lớn nhưng không bền vững trong dài hạn.
“Lạm phát sẽ giữ ở mức hiện tại cho đến những tháng cuối năm nay, nhưng ngân hàng trung ương và quan trọng là Tổng thống Erdogan dường như không muốn tăng lãi suất,” Capital Economics có trụ sở tại London viết trong một ghi chú hôm thứ Năm.
Đồng đôla tăng chưa tới 1% so với lira trong phiên sáng 3/3 tại Istanbul, tương đương 1 đồng bạc xanh sẽ đổi được 14,13 lira.