Investing.com -- Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn, xu hướng tăng lãi suất huy động được dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì cho tới cuối năm nay.
MBS vừa có báo cáo cập nhật triển vọng vĩ mô trong đó kỳ vọng GDP năm 2024 lên 7,0% - 7,1%.
Dựa trên kết quả kinh tế tích cực trong Quý 2 và Qúy 3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng đạt 7,6% - 8% trong Quý 4, nhằm đạt được hoặc thậm chí vượt qua mục tiêu tăng trưởng cả năm của Chính phủ là 7%. Theo đó, MBS đã nâng dự báo GDP năm 2024 lên 7,0% - 7,1%, mặc dù ngành sản xuất đã ghi nhận mức tăng trưởng khá khiêm tốn trong thời gian gần đây.
CPI đến cuối năm có thể giảm nhẹ nhờ sự sụt giảm của giá xăng dầu, qua đó kéo CPI bình quân năm 2024 về mức 3,9%, dưới mức mục tiêu của Chính phủ là 4,5%. Mặc dù OPEC+ đã quyết định duy trì cắt giảm sản lượng đến hết tháng 12, đà giảm của giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục được duy trì do nhu cầu tiêu thụ đang hồi phục khá chậm, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc.
Tuy vậy, rủi ro tăng giá dầu vẫn còn nếu căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông lan rộng hơn nữa. Theo đó, giá dầu trong năm 2024 sẽ dao động với biên độ hẹp quanh mức 80 USD/thùng, cao hơn so với giá dầu trung bình nửa cuối năm 2023. Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu khi giá thép và vật liệu xây dựng nội địa dự kiến sẽ phục hồi lên mức 14 triệu VNĐ/tấn tăng 4% so với cùng kỳ trong năm 2024 nhờ đà tăng của giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc xung đột địa chính trị lan rộng có thể gây đứt gãy chuỗi cung ứng và đẩy giá cả hàng hóa tăng cao, theo đó, sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát.
Sau khoảng 2 tháng chững lại, lãi suất huy động đã bắt đầu tăng trở lại trong tháng 11 với 16 ngân hàng, bao gồm cả những ngân hàng lớn như Agribank,
Techcombank (HM:TCB) và MB, đã tăng lãi suất tiết kiệm với mức tăng từ 0,1% - 0,7%/năm. Xu hướng tăng này được dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì cho tới tuối năm nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn.
Dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 20 điểm cơ bản, dao động quanh mức 5,1% - 5,2% vào cuối năm 2024.
Về tỷ giá, sự hồi phục mạnh mẽ của đồng USD trong tháng đã tạo áp lực đáng kể lên tỷ giá VND/USD, và đã đẩy tỷ giá liên ngân hàng tăng vọt lên 25.346 VND/USD vào cuối tháng 11. Đồng VNĐ hiện đã mất giá khoảng 4,1% so với đồng USD tính từ đầu năm, và đang tiến gần tới mức đỉnh 4,6% được ghi nhận vào tháng 5. Tỷ giá thị trường tự do cũng đã tăng lên mức 25,740 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm niêm yết tại 24.251 VND/USD, tăng lần lượt 4% và 1,7% so với đầu năm 2024.
MBS cho rằng áp lực lên tỷ giá sẽ giảm trong thời gian tới nhờ vào các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình này sẽ diễn ra ở mức độ khiêm tốn, vì các chính sách được tân Tổng thống Mỹ đề xuất sẽ giúp đồng USD giữ đà tăng giá và khiến gia tăng áp lực lên tỷ giá hối đoái.
Theo đó, áp lực tỷ giá sẽ dần hạ nhiệt và đạt mức 25.000 VND/USD vào cuối năm nay, dưới những yếu tố tích cực như: Thặng dư thương mại tích cực (~24,3 tỷ USD trong 11T24), dòng vốn FDI đạt 21,7 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ và du lịch phục hồi mạnh mẽ tăng 41% trong 11 tháng năm 2024.
Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024. Ngoài ra, áp lực lên tỷ giá được kỳ vọng sẽ giảm dần trong thời gian tới khi Fed đã bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất (kể từ tháng 9 tới nay đã giảm tổng cộng 75 điểm cơ bản), và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì việc cắt giảm, tuy nhiên với một tốc độ chậm hơn.