NHNN tăng đột ngột lãi suất điều hành cuối năm trong khi các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã tăng dần lãi suất từ đầu năm 2022. Mới đây, trong Báo cáo kết quả chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của Kiểm toán nhà nước gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hộ và các đại biểu Quốc hội cho biết, nhiều ngân hàng thay vì tiết giảm chi phí, hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp thì trong năm 2022 lại tăng biên độ lãi suất so với đầu năm.
Năm 2022, NHNN đã triển khai các biện pháp để tác động giảm lãi suất cho vay của các TCTD. Tuy nhiên các biện pháp đều không hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 mà còn có xu hướng tăng, biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động bình quân còn lớn, trên 4%.
Bên cạnh đó, NHNN đã có 02 lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành (vào ngày 23/9/2022 và ngày 25/10/2022) với tổng mức tăng 2% dẫn đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đều đột ngột tăng cao trong những tháng cuối năm.
Cụ thể, lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đều tăng cao, lần lượt lên mức 6,35%/năm và 10,56%/năm vào tháng 12/2022, nhiều TCTD có mức lãi suất cho vay bình quân cao và tăng mạnh vào quý IV: CBBank (9,56%-11,05%/năm), Oceanbank (9,7% - 11,12%/năm), GPBank (10,99% - 12,89%/năm), Kienlongbank (10,57%-13,86%/năm), SCB (11,49%-11,54%/năm), VIB (HM:VIB) (9,84% - 12,45%/năm), Saigonbank (9,76% - 11,16%/năm), NCB (11,16%-12,96%/năm)...
Theo Kiểm toán Nhà nước, việc đột ngột điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành sau một thời gian dài không thay đổi của NHNN trong khi các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã tăng dần lãi suất từ đầu năm 2022 là khó dự đoán, gây bất ngờ cho nền kinh tế, khiến cho môi trường kinh tế rủi ro hơn, người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn một cách ổn định.
Nhiều ngân hàng thay vì tiết giảm chi phí, hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp thì trong năm 2022 lại tăng biên độ lãi suất so với đầu năm.
Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tăng, trong đó, nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng chủ yếu và tiếp tục tăng, chi phí hoạt động cũng tiếp tục tăng, tỷ lệ chi phí hoạt động so với dư nợ cho vay năm 2022 tăng so với năm 2021.
Kiểm toán Nhà nước cho hay, qua kiểm toán cho thấy có một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân sau: Cơ cấu tín dụng năm 2022 chưa đúng định hướng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cho thấy vai trò định hướng thị trường của NHNN chưa thực sự hiệu quả.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, ngoài các nguyên nhân khách quan còn có một phần từ nguyên nhân chủ quan của NHNN và các NHTM như: Phản ứng của NHNN còn chậm dẫn đến điều chỉnh tăng lãi suất còn đột ngột; chức năng thanh tra giám sát của cơ quan thanh tra giám sát còn có điểm yếu kém, chưa phân tích, làm rõ một số vấn đề trọng yếu, tiềm ẩn rủi ro của đối tượng giám sát vi mô; các NHTM vì mục tiêu kinh doanh là lợi nhuận, chưa thực sự tiết giảm chi phí cũng như chủ động hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.
Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ loạt vấn đề bất cập liên quan gói hỗ trợ lãi suất của VIB ]]>