Vietstock - Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính gần 406 nghìn tỷ đồng trong 5 năm
Qua hơn 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp về phòng chống tham nhũng từ năm 2016 đến nay, đã phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị xử lý tài chính gần 406 nghìn tỷ đồng.
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh và lãnh đạo hai cơ quan chủ trì Hội nghị. |
Chiều 4/11, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước đã diễn ra Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Dự thảo Báo cáo sơ kết Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng cho thấy, qua hơn 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp từ năm 2016 đến nay, mỗi cơ quan có thêm nhiều thuận lợi để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Kiểm toán Nhà nước đã đẩy mạnh triển khai công tác kiểm toán toàn diện, tập trung vào các lĩnh vực, dự án có nhiều thông tin, dư luận về tiêu cực, tham nhũng, như: công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, chuyển đổi nhà, đất công; đầu tư xây dựng cơ bản; tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT…; phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị xử lý tài chính từ năm 2016 đến nay gần 406 nghìn tỷ đồng.
Từ năm 2016 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 21 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiểm toán Nhà nước đã nhận được kết quả giải quyết đối với 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong số các vụ việc chuyển sang Cơ quan điều tra. Các thông báo kết quả điều tra này đều được gửi cho Ban Nội chính Trung ương.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nêu rõ, Ban Nội chính Trung ương và Kiểm toán Nhà nước có chung nhiệm vụ là tham mưu cho Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế, pháp luật, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính công, tài sản công, ngăn ngừa thất thoát, lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Về nhiệm vụ, giải pháp phối hợp trong thời gian tới, Trưởng ban Nội chính Trung ương đề nghị cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Nhất là phối hợp trong phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật, góp phần bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng.
Tăng cường phối hợp tham mưu, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Tập trung phối hợp thực hiện có hiệu quả cơ chế chỉ đạo, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực của Thường trực Ban Chỉ đạo. Đó là, trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án…
Mạnh Quang