Vietstock - Không có chỗ để tiêu, có thêm tiền cũng vô ích
Khi bàn về tình hình kinh tế xã hội tại kỳ họp của Quốc hội vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đã đề xuất phải nâng trần nợ công, tạo điều kiện cho Chính phủ vay thêm vốn để đầu tư vào các chương trình phục hồi kinh tế, nhưng ý tưởng này không dễ đạt được sự đồng thuận.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, vấn đề đáng để bàn trước hết không phải bơm thêm bao nhiêu tiền vào nền kinh tế, mà là chi tiêu vào đâu để phục hồi và kích thích tăng trưởng, vì nếu không biết phải chi vào đâu cho hiệu quả thì dù có thêm tiền cũng vô ích.
Trên thực tế, vấn đề đáng lo nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay không phải là thiếu vốn, mà là ở năng lực hấp thụ vốn. Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 10-2021 Việt Nam chỉ giải ngân được chưa tới 56% vốn đầu tư công đã được lên kế hoạch cho năm 2021, nghĩa là còn hơn 200.000 tỉ đồng vẫn nằm chờ trong Kho bạc Nhà nước trong khi chỉ còn hai tháng là kết thúc năm.
Khả năng hấp thu vốn đầu tư công kém không phải là nhất thời, mà đã là vấn nạn kéo dài suốt 5-6 năm qua nên không thể đổ lỗi việc giải ngân chậm là do đại dịch. Và, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, giải ngân chậm cũng không phải tại thủ tục hành chính trì trệ, mà do công tác chuẩn bị đầu tư của các ngành, các địa phương kém cỏi. Bằng chứng ông đưa ra là cũng với quy trình thủ tục chung đó nhưng vẫn có những địa phương đạt tỷ lệ giải ngân rất cao.
Tình trạng đối với các doanh nghiệp cũng không khác là mấy. Vấn đề nan giải đối với họ hiện nay không phải là thiếu vốn để mua nguyên vật liệu hay trả lương công nhân, mà là làm sao bán được hàng hóa và dịch vụ để có “đồng ra, đồng vào” nuôi sống bản thân và trả tiền nhân công.
Nhưng sức mua của thị trường, động lực phát triển cho mọi doanh nghiệp cũng như cho cả nền kinh tế, thì đang quá yếu. Chẳng cần phải nghiên cứu hay tính toán gì phức tạp, chỉ nhìn vào hình ảnh hàng loạt điểm kinh doanh treo bảng đóng cửa và trả lại mặt bằng dọc theo các khu phố buôn bán một thời sầm uất ở Sài Gòn; hay những hàng quán một thời đông đúc và náo nhiệt nay rơi vào cảnh đìu hiu, thưa thớt… cũng có thể đoán được doanh nghiệp đang bế tắc ở chỗ nào.
Trong tình cảnh đó, dù có cho hộ kinh doanh cá thể vay vài chục triệu đồng, hay cho một doanh nghiệp vay thêm vài tỉ đồng với lãi suất ưu đãi, thì cũng chẳng giúp ích gì được mấy cho họ.
Thực tế trên cho thấy, ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phục hồi kinh tế hiện nay chưa phải là chuyện tìm kiếm thêm vốn để bơm vào nền kinh tế, mà là làm sao để mọi doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể trở lại làm ăn sớm và càng gần với trạng thái bình thường càng tốt. Đó là việc sớm khôi phục lại các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế; nới lỏng hơn nữa các loại hình kinh doanh dịch vụ buôn bán và giải trí, dịch vụ vận tải; tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho giao thương hàng hóa mà cả hoạt động đi lại của người dân… và sau cùng là bảo đảm tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được thực thi nghiêm túc và thống nhất trong cả nước.
Một khi các hoạt động kinh doanh đã được quay trở lại thì việc xem xét một số chính sách kích cầu cho nền kinh tế là rất cần thiết. Trong chính sách này, tăng cường đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng, nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi. Trong nền kinh tế Việt Nam, khu vực tư nhân và hộ kinh doanh cá thể giữ vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ đóng góp tới 41% GDP mà còn nguồn cung việc làm lớn nhất cho xã hội. Nhưng với tỷ lệ trên 97% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thị trường chính của họ là nội địa. Vì vậy, chương trình đầu tư kích cầu của Chính phủ, ngoài vấn đề hiệu quả kinh tế chung, cũng phải tính đến làm sao để tạo ra một phần sức mua cho nhóm doanh nghiệp vốn chỉ biết dựa hết vào thị trường nội địa. Theo hướng này, và tại thời điểm này, cần cân nhắc cẩn trọng những dự án mà hầu như chỉ kích cầu nhập khẩu, chẳng hạn như dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Bên cạnh kích cầu đầu tư, việc kích thích tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình cũng phải được tính đến. Việc này liên quan đến chính sách lãi suất cho vay tiêu dùng, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng; chính sách thuế đối với doanh nghiệp để giúp họ giảm giá thành sản phẩm và dịch vụ.
Tóm lại, doanh nghiệp chỉ cần có thị trường. Có thị trường là họ tự khắc biết tìm vốn ở đâu.
Tấn Đức