💼 Bảo vệ danh mục của bạn với công cụ chọn cổ phiếu có AI hỗ trợ của InvestingPro – HIỆN GIẢM tới 50% NHẬN ƯU ĐÃI

Điều chỉnh chính sách, giảm “gánh nặng trên lưng” doanh nghiệp

Ngày đăng 16:00 20/08/2022
Điều chỉnh chính sách, giảm “gánh nặng trên lưng” doanh nghiệp

Vietstock - Điều chỉnh chính sách, giảm “gánh nặng trên lưng” doanh nghiệp

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng mạnh. Đây là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, đòi hỏi cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề, điều chỉnh chiến lược, chính sách để giảm thiểu, khắc phục và vượt qua được các khó khăn hiện nay...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc.

Ngày 19/8, Đoàn công tác Quốc hội do Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dẫn đầu đến làm việc tại Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để nghe báo cáo tình hình hoạt động của VCCI và lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, cũng như các quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh.

HÀNG LOẠT KHÓ KHĂN DOANH NGHIỆP PHẢI ĐỐI MẶT

Báo cáo của VCCI tại buổi làm việc cho thấy, năm 2021 là một năm nữa đầy khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19. Có tới khoảng 66% doanh nghiệp đối mặt với suy giảm doanh thu so với năm 2020, khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn, nguồn nhân lực, biến động thị trường...

Bước sang năm 2022, khu vực doanh nghiệp đã có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh Covid- 19, các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

7 tháng năm 2022, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 94,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 13,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nêu các khó khăn của doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết các chi phí đang đè nặng lên doanh nghiệp, bao gồm chi phí liên quan tới người lao động (từ ngày 01/7/2022, mức lương tối thiểu sẽ tăng khoảng 6% so với trước theo quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP); chi phí đầu vào tăng cao gia tăng chi phí cho doanh nghiệp và vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Trong khi đó, doanh nghiệp rất khó khăn trong tiếp cận vốn. Khảo sát của VCCI cho thấy có tới 47% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, 4% doanh nghiệp phải huy động vốn từ các nguồn tín dụng khác.

Tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh khó khăn kéo dài. Nguyên nhân xuất phát từ sự phức tạp của các thủ tục hành chính thuê chuyển nhượng đất đai (42,5%), quy hoạch đất đai của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp (39,3%), việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và địa phương “thiếu quỹ đất sạch”.

Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng chậm, việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và việc xử lý hồ sơ về đất đai lâu hơn quy định. Những phiền hà liên quan đến thủ tục đất đai là nguyên nhân khiến 53,8% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.

Một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ đang đối mặt với khó khăn về thiếu hụt nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực cũng đang là một cản trở trong thu hút đầu tư FDI, đặc biệt với các dự án có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, bày tỏ mong sớm sửa Luật đất đai, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Nói là hỗ trợ nhưng thiếu nguồn lực nên không hỗ trợ sâu sắc, doanh nghiệp hưởng lợi từ Luật chưa nhiều. Quỹ hỗ trợ có tỉnh thành lập có tỉnh chưa, nhất là hỗ trợ lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa không đến là bao, do đó cần sửa đổi phù hợp", ông Vẻ kiến nghị.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được thụ hưởng chính sách từ Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Còn Luật đấu thầu, Luật đầu tư vẫn còn chồng chéo nên cần rà soát lại để sửa đổi phù hợp. Vướng mắc nữa, chủ trương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng xuống thực tế rất chậm, như hỗ trợ người mắc Covid, hay hỗ trợ 2% về lãi suất triển khai còn chậm…

Một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn gây phiền hà, khó khăn cho việc tuân thủ của doanh nghiệp như thủ tục trong lĩnh vực thuế, phí, đất đai, bảo hiểm xã hội và xây dựng.

Đặc biệt, hiệu quả thực thi của một số cơ quan nhà nước còn chưa cao. Tình trạng mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau gây khó khăn cho các hoạt động của doanh nghiệp.

CHÍNH SÁCH NÀO ĐỂ GIẢM KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP?

Đứng trước các khó khăn trên, Quốc hội, Chính phủ, đã ban hành các chính sách hỗ trợ sau đại dịch. Tuy nhiên, theo VCCI, xét về tính kịp thời, Nghị quyết 43 có hiệu lực từ ngày 11/1/2022, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ ban hành có độ trễ nhất định. Ngoại trừ, Nghị quyết 11/NQ- CP, Nghị định 15/2022/NĐ-CP ban hành gần như ngay sau thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết 43 (có hiệu lực từ 28/1, 30/1) thì các Nghị định và Quyết định còn lại phải 3- 4 tháng sau mới được ban hành và bắt đầu phát sinh hiệu lực.

Đến tháng 7, mới chỉ ban hành 13/17 văn bản để cụ thể hóa các yêu cầu của Nghị quyết. Điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến việc thực thi chính sách và các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Thống kê về số vốn giải ngân so với kế hoạch cho thấy, tốc độ giải ngân vẫn còn rất chậm. Nếu thực hiện giải ngân tốt hơn thì sẽ hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Việc tiếp cận “nguồn vốn rẻ” (với mức lãi suất hỗ trợ 2%) cũng khá khó khăn do các điều kiện quy định cho vay doanh nghiệp khó đáp ứng được, trong đó có vấn đề về không có tài sản đảm bảo để thế chấp.

Qua hai năm đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp gần như không còn tài sản nào để thế chấp. Bên cạnh đó, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đang có xu hướng tăng, đưa đến lo ngại cho các doanh nghiệp là lãi suất cho vay sẽ tăng theo.

Chính vì vậy, để tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp những tháng cuối năm 2022 và trong năm 2023, ông Phòng kiến nghị tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước.

Cần có biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi của doanh nghiệp để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thực sự phát huy hiệu quả.

"Có giải pháp kịp thời hỗ trợ một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ hiện đang đối mặt với khó khăn về thiếu hụt nhân lực. Quốc hội có thể triển khai các chương trình giám sát việc thực hiện các chương trình đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nhân lực trong thời gian tới", đại diện VCCI đề xuất.

Tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính có tác động lớn đến doanh nghiệp và còn nhiều phiền hà. Quá trình xây dựng các dự thảo luật, đặc biệt luật có tác động sâu rộng đối với doanh nghiệp như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... cần tiếp tục tham vấn rộng rãi, công khai…

Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hải khẳng định sẽ lắng nghe và làm rõ hơn những kiến nghị của doanh nghiệp. Quốc hội và VCCI sẽ có những buổi gặp gỡ thường xuyên để trao đổi, tiếp thu những phản ánh của doanh nghiệp. Bất cứ lúc nào các hiệp hội cũng có thể gửi kiến nghị bằng văn bản đến các cơ quan Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội để có những tháo gỡ hợp lý, kịp thời.

Vũ Khuê

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.