Vietstock - Ðịa phương muốn có sân bay phải... tự lo vốn
Dự thảo quy hoạch sân bay giai đoạn tới đã được Bộ GTVT trình Chính phủ xem xét thông qua, trong đó chỉ bổ sung thêm 7 sân bay. Ðiều kiện để các địa phương có sân bay mới là phải tự huy động vốn để triển khai xây dựng.
Trong tương lai bình quân 2 tỉnh sẽ có 1 sân bay. Ảnh minh họa |
Liên quan tới Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa giao Bộ GTVT rà soát kỹ các nội dung của quy hoạch, bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất phát triển hạ tầng. Đồng thời, Bộ GTVT chuẩn bị báo cáo thường trực Chính phủ về nội dung quy hoạch, trong đó nêu rõ tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình lựa chọn quy hoạch các sân bay.
Trước đó, Bộ GTVT trình Chính phủ dự thảo Quy hoạch sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua. Bộ GTVT cho hay, hiện tại cả nước có 22 sân bay (9 sân bay quốc tế, 13 sân bay nội địa). Giai đoạn từ nay tới năm 2030, bộ này đề xuất ưu tiên vốn đầu tư mở rộng sân bay Nội Bài (Hà Nội), sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và xây dựng sân bay Long Thành (Đồng Nai). Với sân bay xây mới, ngoài sân bay Long Thành đang được xây dựng, chỉ bổ sung thêm 5 sân bay: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Phan Thiết. Riêng với sân bay thứ 2 vùng Thủ đô, vị trí cụ thể quy hoạch sẽ được xem xét trước năm 2030, nhưng sẽ đặt ở phía Đông Nam Hà Nội.
Bộ GTVT cho hay, thời gian qua đã có 11 tỉnh, thành phố đề xuất bổ sung thêm kế hoạch xây sân bay tại địa phương mình vào quy hoạch, đó là: Bắc Giang, Bắc Kạn, Đắk Nông, Ninh Bình, Hà Giang, Hòa Bình, Bình Phước, Kon Tum, Hà Tĩnh, Trà Vinh và Ninh Thuận.
Ðịa phương tự tìm vốn làm sân bay mới?
Để đầu tư sân bay theo Dự thảo Quy hoạch nói trên, Bộ GTVT cho biết, giai đoạn từ nay tới năm 2030 cần nguồn vốn khoảng 400.000 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên cho hoàn thành sân bay Long Thành (khoảng 109.000 tỷ đồng), mở rộng sân bay Nội Bài về phía Nam (gần 96.600 tỷ đồng)…
Bộ GTVT đề xuất Chính phủ giao các địa phương nơi có quy hoạch sân bay mới huy động vốn, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện xây dựng. Chính phủ sẽ hoàn thiện các quy định để huy động vốn xã hội đầu tư sân bay, theo phương thức nhượng quyền đầu tư, khai thác.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Quản lý Giao thông (Đại học Bách khoa TPHCM) cho biết, ông chưa hài lòng với định hướng phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua. Khi ưu tiên quá nhiều cho đầu tư phát triển đường bộ, hàng không, bỏ qua đường sắt, trái ngược hoàn toàn với thế giới.
Bộ GTVT đề xuất Chính phủ giao các địa phương nơi có quy hoạch sân bay mới huy động vốn, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện xây dựng. Chính phủ sẽ hoàn thiện các quy định để huy động vốn xã hội đầu tư sân bay, theo phương thức nhượng quyền đầu tư, khai thác. |
Với hàng không, theo ông Mai, thay vì phát triển sân bay theo vùng, cả hiện tại và định hướng quy hoạch lại hình thành mạng lưới sân bay theo tỉnh, với bình quân 2 tỉnh có 1 sân bay. Dù nhiều sân bay vậy nhưng lại thiếu sân bay phục vụ máy bay loại nhỏ, máy bay gia đình. Ông dẫn chứng, khu vực Tây Bắc đã có sân bay Điện Biên, tương lai lại có thêm sân bay Sa Pa, Nà Sản, Lai Châu; hay khu vực Bình Thuận đã có sân bay Liên Khương, Cam Ranh, nhưng vẫn quy hoạch thêm sân bay Phan Thiết... “Thay vì sân bay, những khu vực này có thể ưu tiên làm đường bộ để kết nối với các sân bay đã có. Tránh tình trạng đầu tư mới nhưng không có khách dẫn tới thua lỗ”, ông Mai nói.
LÊ HỮU VIỆT