Vietstock - Huy động nguồn lực từ đâu phục hồi kinh tế
Việc huy động nguồn lực để xây dựng gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 là cần thiết, song quan trọng là cách thực hiện, huy động từ đâu cho hiệu quả. Trong đó, gói hỗ trợ phải đảm bảo được 3 yếu tố: trúng (nhu cầu nền kinh tế), đúng (đối tượng hỗ trợ) và hiệu quả (cách thực hiện).
Huy động nguồn lực từ đâu vẫn phải khống chế trong khoảng thâm hụt ngân sách (DEFICIT) có thể chấp nhận được.
|
Huy động từ nội lực
Hiện nay, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 khoảng 800.000 tỷ đồng do Bộ KH-ĐT đề xuất vẫn chưa rõ ràng, cần phải tính toán thêm. Từ con số đề xuất trên cũng mang hàm ý phần nào quy mô gói hỗ trợ bao nhiêu vẫn phải căn cứ dựa trên cân đối ngân sách, cụ thể dựa trên mức độ thâm hụt ngân sách nền kinh tế có thể chịu đựng được.
Đã đến lúc cần xác định chúng ta có thể chịu mức thâm hụt ngân sách 4% hay 6% GDP/năm, chỉ khi đó mới xác định nên có quy mô gói hỗ trợ như thế nào và phân bổ bao nhiêu cho hợp lý.
Nguồn lực huy động cho gói hỗ trợ trước tiên và về cơ bản vẫn phải là tiết kiệm từ các nguồn chi tiêu khác. Đơn cử, chúng ta muốn hỗ trợ doanh nghiệp (DN), ngay từ bây giờ phải điều chuyển các nguồn chi khác của ngân sách sang nguồn hỗ trợ DN.
Nguyên tắc vẫn là phải khống chế trong khoảng thâm hụt ngân sách có thể chấp nhận được. Hàng năm, mức thâm hụt ngân sách nước ta khoảng 4% GDP, đây là khoản thâm hụt rất nặng nề và có tính kinh niên.
Nếu tăng chi tiêu thêm để bổ sung cho gói hỗ trợ sẽ phải nới thêm, nhưng có lẽ nên trong khoảng 5% sẽ hợp lý và đây cũng là con số khá cao.
Có mấy vấn đề cần phải cân nhắc về ngân sách. Thứ nhất, chi thường xuyên của Việt Nam vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách (khoảng hơn 60%). Trong bối cảnh dịch Covid-19, chính quyền các cấp, các địa phương có thể bớt được các khoản chi thường xuyên không cần thiết như hội họp, đi công tác nước ngoài… Số này cần cắt giảm để chuyển sang hỗ trợ DN.
Thứ hai, nếu ngân sách nhà nước không đủ (mà vẫn trong khoảng 5% thâm hụt ngân sách - mức cho phép), Chính phủ cân nhắc đến giải pháp vay từ các định chế tài chính quốc tế với các lãi suất ưu đãi thấp.
Hiện tại, Việt Nam có thể tận dụng các nguồn vay ưu đãi hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh dịch Covid-19 các định chế tài chính quốc tế đang thực hiện với mức lãi suất khá thấp (khoảng 1%). Đây cũng là phương án khả thi nhất.
Thứ ba, Chính phủ nên huy động nguồn lực từ thoái vốn DNNN. Hiện nay chúng ta vẫn đang chủ trương thoái vốn nhà nước tại nhiều DN, nhưng tiến trình cổ phần hóa DNNN đang bị chậm lại.
Giảm bớt tỷ trọng vốn sở hữu nhà nước trên các sàn giao dịch là việc cần làm ngay và tiến độ cần đẩy nhanh hơn. Những DN không liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như an ninh, quốc phòng nên đẩy tốc độ thoái vốn nhanh hơn.
Một kênh huy động vốn nữa cho gói hỗ trợ kinh tế là phát hành trái phiếu chính phủ (đi vay trong nước). Tuy nhiên nên hạn chế sử dụng giải pháp vay trong nước, bởi thực tế từ trước đến nay cho thấy không đạt được hiệu quả cao.
Vì khi Chính phủ phát hành trái phiếu thường trái phiếu đó cũng bán lại cho Ngân hàng Nhà nước, khiến cung tiền tăng rất nhanh, tác động không tốt đến điều hành chính sách tiền tệ. Khi phát hành trái phiếu chính phủ sẽ làm tăng khả năng hấp thụ vốn lớn trên thị trường, làm giảm khả năng tiếp cận vốn của các DN.
Cần trúng, đúng và hiệu quả
Thực tế cho thấy, chúng ta không nên chỉ nhìn vào quy mô gói hỗ trợ người dân, DN trong nước mà phải nhìn tổng thể thâm hụt tài khóa của Việt Nam so với các nước khác. Có ý kiến so sánh chi hỗ trợ của Việt Nam chỉ bằng 2,5% GDP, trong khi các nước khác chi hỗ trợ đến 10% GDP là chưa phù hợp.
Bởi chi hỗ trợ chỉ là một phần trong tổng chi ngân sách của Việt Nam. Cho nên, để xác định được việc nới lỏng tài khóa, tiền tệ là bao nhiêu phải nhìn rõ mức độ thâm hụt ngân sách của nước ta.
Thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong điều kiện bình thường, gần bằng mức thâm hụt ngân sách của các nước trong điều kiện họ đang tung ra những chính sách hỗ trợ tài khóa lớn. Cụ thể, nếu so với các nước trong ASEAN-5 như Thái Lan, Philippines, Indonesia - những quốc gia có nhiều đặc điểm tương đồng - thâm hụt ngân sách của Việt Nam luôn vào khoảng 4% GDP, trong khi các nước đó sau khi đã tung ra hàng loạt chính sách hỗ trợ mức thâm hụt cũng chỉ 4-5% GDP.
Do đó, cùng với việc huy động nguồn lực nhằm thiết kế gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, rất cần xác định rõ 3 vấn đề chính.
Thứ nhất, nên thiết kế gói hỗ trợ kinh tế ở quy mô vừa phải, trong mức kiểm soát được. Cụ thể hợp với mức chịu đựng thâm hụt của ngân sách cũng như mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Thứ hai, gói hỗ trợ cần phải trúng đối tượng hưởng chính sách. Hiện nay có nhiều gói hỗ trợ kinh tế được bung ra song vẫn không trúng đối tượng. Thí dụ, gói chi trả bảo hiểm thất nghiệp vừa rồi cũng là một dạng như thế, nghĩa là tất cả người tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp đều được hưởng hết, trong khi có những ngành nghề không thực sự bị ảnh hưởng.
Điều này là minh chứng cho chính sách hỗ trợ có tính “cào bằng”, không phát huy được hiệu quả như mong muốn. Điều này dẫn đến hiệu quả của gói hỗ trợ chỉ có tác dụng về mặt chính sách là giải ngân được tiền, còn thực tế vẫn không bám sát với các đối tượng.
Thứ ba, đó là phương pháp thực hiện gói hỗ trợ phải hiệu quả. Thí dụ, biện pháp khá hiệu quả trong hỗ trợ các DN là giảm các loại phí do dịch Covid-19. Chính sách này đang làm rất tốt, đúng hướng và trúng các đối tượng là DN.
Đáng tiếc do quy mô quá bé và diễn ra trong thời gian ngắn, nên thực tế DN không được hưởng lợi từ chính sách này là bao nhiêu. Đây là điều chúng ta cần rút kinh nghiệm.
PGS (HN:PGS).TS Phạm Thế Anh, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VEPR