Số liệu tiền gửi tăng trở lại trong bối cảnh nhiều ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi trong thời gian qua. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 9, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 106.210 tỷ đồng so với tháng 8/2022.
Trước đó, tiền gửi khách hàng của TCTD liên tục sụt giảm trong tháng 7 và tháng 8.
Theo đó, tiền gửi khách hàng tháng 9 tăng chủ yếu do tiền gửi của các tổ chức kinh tế (TCKT) tăng đến 104.774 tỷ đồng lên hơn 5,78 triệu tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9. Tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng nhẹ 1.436 tỷ đồng so với tháng trước lên gần 5,64 triệu tỷ đồng.
Để thu hút người gửi tiền, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành từ cuối tháng 9, các ngân hàng thương mại cũng bắt đầu bước vào “cuộc đua” tăng lãi suất huy động với mức tăng rất mạnh. Đến hiện tại, nhiều ngân hàng đã tăng thêm 3-3,5%/năm cho các kỳ hạn dài, trong khi các kỳ hạn ngắn cũng đã tăng thêm khoảng 2%/năm.
Cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày một “gay gắt” khi họ thay đổi biểu lãi suất huy động hàng tuần, thậm chí chỉ sau vài ngày nếu mức lãi suất niêm yết của mình thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường.
Hiện nay, những ngân hàng lớn như Sacombank (HM:STB), Techcombank (HM:TCB), VPBank (HM:VPB), SHB (HM:SHB),…đã niêm yết lãi suất huy động trên 9%/năm.
Trong khi ở nhóm ngân hàng nhỏ, mức lãi suất 10%/năm cũng đã quay trở lại. Ghi nhận tại GPBank, khi khách hàng gửi tiền tại quầy và đáp ứng một số điều kiện về số dư tối thiểu, là khách hàng hạng vàng có thể được nhận lãi suất tới 10%/năm.