Vietstock - Hậu đại án Hứa Thị Phấn: VNECO cho rằng “không giữ vật chứng vụ án”
Theo Tổng Cty Xây dựng điện Việt Nam (VNECO), đơn vị đang phải đối mặt với khả năng một số tài sản của mình không liên quan đến vụ án “Hứa Thị Phấn và đồng phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” bị kê biên.
Trụ sở Tổng Công ty Xây dựng điện Việt Nam. |
Việc này nếu xảy ra, VNECO cho biết sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của DN, việc làm của người lao động, cũng như một số công trình điện trọng điểm quốc gia.
Theo đơn kêu cứu của VNECO, bản án hình sự sơ và phúc thẩm năm 2018 của hai cấp tòa tại TP HCM đã tuyên trách nhiệm dân sự buộc bị cáo Phấn bồi thường cho Ngân hàng Xây dựng hàng chục nghìn tỉ đồng. Tòa xác định Phấn sử dụng 4.945 tỷ đồng, trong đó có 2.401 tỷ đồng nộp vào tài khoản cá nhân và công ty thuộc nhóm Phú Mỹ. Trong số 2.401 tỷ nói trên, phía Phấn dùng 200 tỷ chuyển cho VNECO.
Dù xác định việc VNECO và Ngô Kim Huệ (đồng phạm của Phấn), ký hợp đồng hợp tác đầu tư năm 2007 và thanh lý hợp đồng năm 2010 là đúng pháp luật, nhưng các cấp xét xử vẫn nhận định: 200 tỷ trong số 400 tỷ mà Huệ chuyển khoản, trả lại cho VNECO để thanh lý hợp đồng là “vật chứng của vụ án nên cần thu hồi” cho Ngân hàng Xây dựng để khấu trừ vào nghĩa vụ của bị cáo Phấn với Ngân hàng Xây dựng.
Theo VNECO, đơn vị này đã kháng cáo bản án sơ thẩm nhưng cấp phúc thẩm vẫn y án. Trong các năm 2020, 2021, VNECO đã gửi văn bản tới Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, đề nghị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Theo văn bản VNECO cung cấp, sao kê thông tin tài khoản của VNECO không còn tiền, số tiền 200 tỷ do Huệ chuyển đã được sử dụng, chi tiêu hết vào các dự án của VNECO trước khi khởi tố vụ án trên.
VNECO cho rằng tòa nói Cty đang giữ vật chứng 200 tỷ là chưa đúng với quy định về “vật chứng” trong BLTTHS 2015. Bởi theo quy định, vật chứng vụ án là công cụ, phương tiện phạm tội, là tiền, tài sản mà tội phạm hướng tới khi thực hiện hành vi phạm tội...
Về nguyên tắc thì vật chứng sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, không phải vật chứng nào cùng có thể thu hồi, đặc biệt là những vật chứng là vật cùng loại, vật tiêu hao... “Còn thông tin về việc chuyển khoản, dấu vết chuyển khoản và số tiền chuyển khoản (vật cùng loại) đã được đưa vào lưu thông, không còn trong tài khoản nữa thì không thể gọi là vật chứng của vụ án”, VNECO đưa ra quan điểm. Cty này cho rằng tiền bị cáo Huệ chuyển cho VNECO mang đầy đủ đặc tính như trên. Và thực tế VNECO đang không giữ bất cứ vật chứng nào trong vụ án hình sự trên.
Số tiền chuyển khoản kia đã hòa vào dòng tiền kinh doanh của VNECO cách đây gần 8 năm, cụ thể VNECO đã sử dụng toàn bộ để thanh toán các chi phí phục vụ thi công hoàn thiện đúng tiến độ các công trình điện quốc gia gồm: ĐZ 220KV Vĩnh Tân - Sông Mây, ĐZ 220KV Vùng Áng - Hà Tĩnh, ĐZ 500KV Pleiku - Mỹ Phước - cầu Bông, ĐZ 500KV Phú Mỹ - Sông Mây, ĐZ 220KV cầu Bông - Hóc Môn, ĐZ 500KV Duyên Hải - Trà Vinh, Trạm BA 500KV Duyên Hải…
Theo hợp đồng và biên bản thanh lý hợp đồng VNECO cung cấp, thì trong số 400 tỷ đồng bị cáo Huệ chuyển khoản, trả lại VNECO; đã có 310 tỷ do VNECO chuyển cho phía Huệ khi ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư. Vì vậy, việc hai cấp xét xử tuyên VNECO phải hoàn trả 200 tỷ cho Ngân hàng Xây dựng là ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của VNECO.
Theo VNECO, hiện DN đang phải đối mặt với việc cơ quan THA yêu cầu THA những tài sản khác của VNECO không phải là vật chứng vụ án, không liên quan đến vụ án trên. VNECO cũng gặp phải áp lực rất lớn từ các cổ đông, nhà đầu tư, người lao động về vấn đề THA những tài sản không liên quan vụ án, từ đó ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án mà VNECO đang làm tổng thầu.
“Nếu các nguồn tiền khác, các tài sản là nhà đất khác của VNECO không phải là vật chứng vụ án nhưng bị thu giữ để THA thì sẽ khiến cho nội bộ DN và hoạt động kinh doanh của VNECO gặp khó khăn trầm trọng, gây ra phản ứng từ các cổ đông, nhà đầu tư, người lao động”, đại diện VNECO nêu quan điểm.
Phạm Diệu