Vietstock - Hãng hàng không giá rẻ AirAsia lại tìm đường vào Việt Nam
Gần đây, tờ Edge đưa tin hãng hàng không giá rẻ AirAsia vẫn quyết thâm nhập vào thị trường Việt Nam dù đã 4 lần thất bại trong hơn 10 năm qua.
Đây là một phần trong kế hoạch hướng tới Singapore và Việt Nam nhằm mở rộng sự hiện diện ở thị trường Đông Nam Á, đồng thời tận dụng nhu cầu ngày càng tăng với các hãng hàng không giá rẻ.
AirAsia muốn có mặt ở Singapore và Việt Nam, dù thừa nhận họ sẽ khó trở thành “tay chơi lớn” ở các thị trường này, tờ Edge dẫn lại nhận định của ông Tony Fernandes, CEO của công ty mẹ AirAsia, Capital A Bhd.
Tờ BNN Breaking nhận định AirAsia nhắm tới Singapore và Việt Nam vì đây là hai quốc gia có lượng hành khách lớn và các sân bay lúc nào cũng nhộn nhịp.
CEO Tony Fernandes công khai thừa nhận về những rào cản khi gia nhập vào các thị trường có mức cạnh tranh cao, nhưng cũng lạc quan về tiềm năng tăng trưởng ở các thị trường này. Động thái này cho thấy chiến lược tăng trưởng quyết liệt của AirAsia, muốn mở rộng sang các khu vực mới và đa dạng hóa cơ sở hoạt động vượt ra khỏi khu vực Đông Nam Á.
AirAsia đang hoạt động ở Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Campuchia.
4 lần gia nhập bất thành
Mong muốn gia nhập vào đất nước hình chữ S của AirAsia không phải điều gì mới lạ. Trước đây, họ đã lên kế hoạch lập liên doanh hàng không giá rẻ tại Việt Nam nhưng đều thất bại.
Đầu tiên, AirAsia tham gia cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của Pacific Airlines. Tuy nhiên, phần thắng lại thuộc về Tập đoàn Qantas của Australia.
Lần thứ hai, năm 2007, AirAsia góp 30% vốn liên doanh với Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) để thành lập hãng hàng không, song Chính phủ Việt Nam không chủ trương cấp phép thành lập hãng hàng không mới, nhất là hãng bay có vốn đầu tư nước ngoài.
Lần thứ ba, AirAsia muốn hợp tác với Vietjet (HM:VJC) Air để lập hãng hàng không nhưng do chưa chuẩn bị điều kiện để bay nên đã bị rút giấy phép vào cuối năm 2010.
Lần gần nhất diễn ra vào tháng 4/2019 khi AirAsia thất bại trong việc liên doanh với Thiên Minh Group.
Vũ Hạo (Theo BNN Breaking, Bloomberg)