Vietstock - GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Đất đai rơi bị lãng phí do thu hồi nhưng không thể đưa vào sử dụng
Tại Phiên Hội thảo chuyên đề thuộc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, các đại biểu đã nghe GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày tham luận “Hoàn thiện chính sách đất đai phù hợp với ngữ cảnh mới”.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Theo đó, tham luận tập trung đánh giá về quá trình 10 năm thi hành Luật Đất đai 2013 và so với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; Những vấn đề về đổi mới hệ thống tài chính đất đai; Vấn đề cải cách hệ thống thuế sử dụng đất hay thuế bất động sản hoặc tài sản; Mở rộng cơ chế thế chấp của các dự án đầu tư, cho phép thế chấp có kiểm soát tại các tổ chức tài chính nước ngoài; Nội hàm của dự án phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và giao, cho thuê theo chỉ định.
GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, Luật Đất đai 2013 có chủ trương chủ đạo về cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, từ đó đưa đất ra đấu giá để có thể thu tiền sử dụng và tiền thuê đất nhiều hơn cho Nhà nước. Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch để đưa đất ra đấu giá còn khó khăn. Quỹ phát triển đất không đủ để giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất. Mặt khác, có thể thấy, cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch đòi hỏi lượng kinh phí rất lớn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là điều khó thực hiện, nhất là đối với khu vực đã thu hồi đất không được các nhà đầu tư quan tâm. Từ đó dẫn tới việc đất đai rơi vào tình trạng lãng phí do thu hồi nhưng không thể đưa vào sử dụng.
GS. TSKH Đặng Hùng Võ nhận định, trong 10 năm qua, Luật Đất đai 2013 không quy định về khái niệm “giá đất thị trường”. “Khuyết điểm” của các cấp có thẩm quyền ban hành Khung giá đất và Bảng giá đất thấp hơn thị trường chỉ nhận xét chung chung, không chứng minh được ai “có lỗi”, không có khái niệm pháp luật rõ ràng về “giá đất thị trường”.
Để hoàn thiện chính sách đất đai phù hợp với ngữ cảnh mới, GS. TSKH Đặng Hùng Võ nêu rõ, việc sửa đổi Luật Đất đai phải được coi như một yếu tố quan trọng, có tác động lớn đến mục tiêu đưa Việt Nam từ nước có thu nhập trung bình thấp thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Cùng với đó, trong việc sửa đổi Luật Đất đai cần thảo luận thêm một số vấn đề như quản lý sử dụng đất đa mục đích; hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai dạng địa chính 3D, 4D; chuyển đổi số trong quản lý đất đai; hoàn thiện cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Hà Lễ