Vietstock - Giảm thuế VAT xuống 8% tác động thế nào tới người tiêu dùng?
Theo các chuyên gia, thuế VAT là thuế gián thu nên khi giảm về 8% sẽ có tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường, cả người bán, người mua đều hưởng lợi.
Mới đây, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 15/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội, có hiệu lực từ 1/2.
Theo đó, từ tháng 2, hầu hết hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% sẽ được giảm xuống còn 8%, áp dụng đến hết năm 2022, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một trong những chính sách giảm thuế dự kiến có tác động rộng rãi và rõ ràng nhất đến thị trường trong năm 2022.
Sắc thuế phổ biến nhất
Chia sẻ tại một cuộc hội thảo diễn ra cuối tháng 1, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá chính sách giảm thuế VAT của cơ quan quản lý kể trên khác hoàn toàn so với những chính sách miễn, giảm thuế, phí trước đây.
Theo đó, những năm trước, việc miễn, giảm thuế, phí chỉ tập trung vào các loại thuế trực thu như thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, khủng hoảng vì đại dịch.
Trong khi đó, quy định mới giảm thẳng vào thuế gián thu - thuế VAT.
“Thuế VAT phổ thông hiện nay là 10%, khi giảm chỉ 2% sẽ có tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường. Tác động tới cả người mua và người bán”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo ông Ánh, với việc được giảm thuế VAT đầu vào, người bán có điều kiện để không phải tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép về chi phí tăng cao. Khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ từ đó cũng sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ và cải thiện.
Giảm thuế VAT đi 2% sẽ tác động tới toàn bộ giao dịch trên thị trường. Ảnh: Phương Lâm. |
Trong khi đó, với người tiêu dùng, vốn là nhóm đang bị ảnh hưởng lớn khi thu nhập, việc làm bị giảm do dịch bệnh, việc giảm thuế VAT sẽ giúp nhóm này trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân.
Theo đó, việc giảm được chi phí chi tiêu này sẽ tạo điều kiện tốt hơn để người tiêu dùng tiếp tục tiêu dùng, phục vụ đời sống, qua đó tăng giao dịch trên thị trường.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho rằng việc giảm thuế VAT kể trên cũng sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi tiêu dùng trong nước phục hồi và mở rộng sau dịch.
Như vậy, tiến sỹ Vũ Đình Ánh cho rằng việc giảm thuế VAT đi 2% sẽ giúp thị trường trong nước đạt 2 mục tiêu. Một là, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Hai là vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
“Có thể nói, đây là một lựa chọn hỗ trợ chưa từng có, thông qua việc giảm thuế suất với sắc thuế phổ biến nhất, tác động mạnh nhất và rõ ràng nhất đến thị trường”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Áp dụng được ngay
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng việc giảm thuế VAT từ 10% về 8% như một chính sách toàn dân, bởi hầu hết người dân, doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ chính sách này.
“Giảm thuế VAT thì cứ ai đi mua hàng hóa đều được hưởng, vì vậy độ lan tỏa của chính sách là rất lớn”, ông Cường chia sẻ.
Vị chuyên gia cho biết cách thiết kế chính sách giảm thuế VAT lần này rất đặc biệt, khi không đưa ra quy định nhóm hàng hóa, dịch vụ nào được giảm mà chỉ ra đối tượng nào không được giảm.
Chính sách giảm thuế VAT có thể áp dụng được ngay mà không cần ban hành thông tư hướng dẫn. Ảnh: Phương Lâm. |
Trong đó, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có xu hướng hưởng lợi thế trong đại dịch như kinh doanh tài chính - ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, viễn thông… sẽ không được áp dụng giảm, trong khi toàn bộ số còn lại đương nhiên được hưởng hỗ trợ.
Với cách thiết kế này, việc kiểm soát không còn quá khó khăn.
Tuy vậy, vị đại biểu Quốc hội cho rằng những chính sách lớn thường mang theo kỳ vọng rất lớn nên câu chuyện làm sao để chính sách đi vào thực tế, hiệu quả sẽ được đặt ra.
Ông cho rằng điều quan trọng nhất là cần sớm đưa chính sách vào cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của đại dịch vẫn tác động đến người dân, doanh nghiệp.
Theo Nghị định 15/2022, các loại hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế VAT theo chính sách mới bao gồm hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Về loại hàng hóa không được giảm thuế là sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than).
Nghị định quy định rõ, đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thì được giảm thuế VAT, còn lại, mặt hàng than tại các khâu khác thì không được giảm.
Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, chính sách giảm thuế VAT này có thể khiến ngân sách giảm thu khoảng 49.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền thuế này sẽ giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, từ đó phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, chính sách còn có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế sau dịch và góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Quang Thắng