Vietstock - Giải pháp nào giải quyết căn cơ tình hình an sinh xã hội tại TP.HCM ?
Đó là câu hỏi mà người dân đặt ra cho lãnh đạo TP.HCM trong buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Chiều 1.11, TP.HCM tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 1.11 thu ngân |
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi: "Hiện nay, TP.HCM đã cơ bản hoàn thành gói hỗ trợ đợt 3, tuy nhiên, trong tiến trình tiến tới bình thường mới thì TP.HCM có tính toán, định hướng gì về chính sách an sinh xã hội, để không chỉ giải quyết tình huống khẩn cấp mà còn giải quyết căn cơ, lâu dài?", ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết, theo Nghị quyết 05 của Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 8, TP.HCM đã xác định chiến lược y tế là trụ cột; chiến lược kinh tế là then chốt và chiến lược về xã hội là trọng yếu.
Ông Nguyễn Văn Lâm nói thêm, để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05 và để giải quyết căn cơ tình hình an sinh xã hội, thứ nhất, TP.HCM cần phải triển khai đồng bộ, nhanh chóng, hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Đây là nỗ lực của toàn thành phố, trong đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện then chốt.
"Thứ hai, song song đó, phải thúc đẩy hiệu quả về vấn đề lao động - việc làm bằng các giải pháp phù hợp như: hỗ trợ, thu hút cho lao động trở lại sản xuất, đảm bảo chăm lo đào tạo nghề bồi dưỡng lao động chất lượng cao", ông Lâm nói.
Thứ ba, phải khẩn trương triển khai áp dụng chiến lược khoa học công nghệ từ đó, làm nền tảng thúc đẩy quá trình tái sản xuất và các hoạt động khác của toàn xã hội.
Thứ tư, cần tăng cường công tác thông tin truyền thông, có thông điệp rõ ràng, nhất quán cho người dân.
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cũng thông tin về tình hình khôi phục sản xuất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Theo thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, tính đến ngày 1.11, đã có 1.342/1.412 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại (đạt tỷ lệ 95%) với tổng số lao động là 216.000 người. Tại khu công nghệ cao, số liệu cho thấy, đã 100% doanh nghiệp trở lại với tổng số lao động là 145.000 người. |
Phan Thương