Ngày 19/4, tại buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Xuân Tuấn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, thứ hai ngày 22/4, dự kiến NHNN sẽ tiến hành đấu thầu vàng. Tài chính Ngân hàngDự kiến sẽ tiến hành đấu thầu vàng vào ngày 22/4Anh Minh • {Ngày xuất bản}Ngày 19/4, tại buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Xuân Tuấn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, thứ hai ngày 22/4, dự kiến NHNN sẽ tiến hành đấu thầu vàng.
Ông Đào Xuân Tuấn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) - Ảnh: VGP/HTTheo đó, ngay vào chiều ngày hôm nay 19/4, NHNN sẽ có thông báo tới 15 doanh nghiệp vàng đủ điều kiện đấu thầu.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường, can thiệp kịp thời, xử lý tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch và hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, NHNN sẽ gửi thông báo trước 1 ngày đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua; 1 tiếng sau khi đóng thầu Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả.
Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu. Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Trong số đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.
Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC. Như vậy sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng.
Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.
Liên quan đến thông tin có một số cửa hàng vàng đóng cửa, ông Đào Xuân Tuấn cho biết đây là trách nhiệm chung của các bộ ngành có liên quan như Quản lý thị trường, Bộ Tài chính… chứ không phải của riêng Ngân hàng Nhà nước.
NHNN cũng vừa có các văn bản gửi các Bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong quản lý thị trường vàng, đồng thời có văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện các nhiệm vụ.
Theo đó, NHNN đề nghị Bộ Tài chính phối hợp, yêu cầu các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng, nhất là kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch; xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định này.
Bên cạnh đó, tiếp tục cung cấp thông tin về các sự vụ, sự việc buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới để Ngân hàng Nhà nước kịp thời nắm bắt thông tin thị trường nhằm đưa ra phương án quản lý thị trường vàng hiệu quả. Bộ Tài chính hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện thủ tục thông quan lượng vàng nhập khẩu phục vụ đấu thầu. Với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước đề nghị phối hợp thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng...
Với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ngân hàng Nhà nước yêu cẩu khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn (Cục Quản lý thị trường, Sở Khoa học và công nghệ, Công an…) tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của các đơn vị; xử lý các vi phạm về hoạt động kinh doanh vàng theo thẩm quyền (nếu có).
Về chính sách quản lý thị trường vàng, ông Đào Xuân Tuấn cho biết thêm, NHNN đã có tờ trình Chính phủ tổng kết nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. NHNN đã lấy ý kiến các bộ ngành và trình Chính phủ chủ trương nên sửa nghị định này. Qua đánh giá hoạt động kinh doanh vàng thời gian qua, Nghị định 24 đã phát huy vai trò tích cực, song đã đến lúc cần xem lại sự phù hợp của nghị định này trong điều kiện hiện nay. Theo đó, đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, thêm nhiều thương hiệu vàng khác.
Thực tế, hiện nay có hiện tượng một số cửa hàng vàng tại TPHCM đóng cửa. Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TPHCM cho hay, chưa có căn cứ xác định chính xác lý do tạm ngưng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng. Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, đã yêu cầu các đội quản lý thị trường thực hiện nghiêm biện pháp nghiệp vụ giám sát chặt chẽ các nơi có liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt là những trường hợp phải giám sát theo quy định. Mục tiêu nhằm kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng quản lý thị trường.
Đấu thầu vàng miếng hạ cơn sốt giá vàng ngắn hạn, đề xuất giải pháp lâu dài