Theo Dong Hai
Investing.com – Trong ‘một cuộc đua’ đang nóng nhất hiện nay – cuộc đua tăng lãi suất của hàng loạt ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế lạm phát – không nằm ngoài xu thế đó, lãi suất huy Việt Nam được các chuyên gia dự báo sẽ tăng lên mức 10% vào năm 2023. Theo các chuyên gia phân tích, mặc dù lãi suất của Việt Nam sẽ tăng chậm nhưng rất khó tránh khỏi xu hướng tăng lãi suất đang diễn ra trên khắp thế giới.
Với lý giải cho dự báo đó đã cho thấy rằng khi Fed duy trì mức lãi suất 5-5,5% thì chắc chắn lãi suất qua đêm liên ngân hàng của Việt Nam có lẽ sẽ không thể thấp hơn mức 5,5% mà ở vào khoảng 7-8% thay vì mức 6-7% như thời điểm hiện tại. Lãi suất điều hành cũng sẽ giao động trong khoảng 5,5 - 7%. Một điểm đáng chú ý, là biên độ lãi suất giữa trần và sàn hiện đang khá hẹp , NHNN liên tục phải bơm – hút ròng.
Hiện tại, lãi suất điều hành đã trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2019, dư địa tăng tiếp lãi suất điều hành sẽ tùy thuộc vào diễn biến áp lực các yếu tố bên ngoài (Fed, diễn biến chỉ số DXY, đồng NDT), lạm phát trong nước và áp lực mất giá của tiền đồng (cung-cầu ngoại tệ, triển vọng cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, thanh khoản tiền đồng). Các chuyên gia cho rằng, các yếu tố này đều đang hỗ trợ khả năng NHNN sẽ điều chỉnh tăng thêm lãi suất điều hành.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, NHNN không cần phải tăng lãi suất bởi tỷ giá đã bớt áp lực hơn. Ngay kể cả phải tăng lãi suất, tốc độ tăng trong những tháng tới cũng sẽ chậm hơn.
Nguyên nhân là do lãi suất ở thị trường hai hiện chỉ còn cách lãi suất kỳ vọng 0,5-1% và xấu nhất là 1,5-2%. Với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cố gắng giữ mặt bằng lãi suất thấp chỉ khi áp lực quá lớn NHNN mới phải tính đến việc tăng lãi suất. Đặc biệt, những biến động ở thị trường một và vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp gây áp lực không nhỏ đến kỳ vọng tăng lãi suất của người dân. Ở thời điểm hiện tại, NHNN phải giảm kỳ vọng này bằng cách không phát tín hiệu tăng lãi suất mạnh và cố gắng ổn định tâm lý thị trường.
Mặc dù, diễn biến bên ngoài đã bớt áp lực nhưng diễn biến bên trong thị trường tài chính Việt Nam lại đang chuyển biến xấu nhanh do hai yếu tố gồm lạm phát và trái phiếu doanh nghiệp:
- Với lạm phát, các yếu tố tác động làm tăng mặt bằng giá cả sẽ rõ rệt hơn vào cuối năm và dự kiến duy trì ở cả năm sau. Trong khi đó, với thị trường tài chính, tổng vốn tín dụng đã vượt qua tổng vốn huy động. Áp lực tăng lãi suất là khá rõ rệt.
- Thêm vào đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn một lượng lớn vào cuối năm nay và năm sau cũng đáo hạn khoảng 300.000 – 400.000 tỷ đồng cho thấy nhu cầu tín dụng còn cao khiến mặt bằng lãi suất khó có thể giảm.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến thời điểm 21/10, đã có 142.458 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn, chiếm khoảng 11,8% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cuối 2021. Điều này đã làm giảm dư nợ đáo hạn năm 2023 và 2024 ước tính lần lượt còn lại ở mức 350.000 và 370.000 tỷ đồng.
Tổng giá trị đáo hạn năm 2023 ước tính ở mức 350.000 tỷ, tương đương gần bằng 1/4 dư nợ tăng thêm của hệ thống ngân hàng năm 2022 (giả định tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%).
Trong số trái phiếu đáo hạn có khoảng 30% giá trị từ nhóm ngành ngân hàng có khả năng cao vẫn có thể tái phát hành, song tỷ lệ hấp thụ sẽ bị hạn chế trong bối cảnh lãi suất cao và thanh khoản yếu đang diễn ra trong hệ thống.