Vietstock - Dệt may làm gì để nhanh chóng hồi phục?
Việc chủ động chuyển đổi sản xuất để đáp ứng yêu cầu của EVFTA và nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới là những giải pháp được các chuyên gia khuyến nghị để giúp DN dệt may nhanh chóng hồi phục trở lại sau đại dịch.
Sản phẩm sợ tái chế đã giúp giảm bớt tác động của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Sợi Thế Kỷ (HM:STK). Ảnh: ST
|
Kết quả kinh doanh suy giảm
Tính đến hết quý 3/2020, xuất khẩu dệt may đã đạt 22 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này đã được thu hẹp đáng kể so với mức 16% hồi nửa đầu năm 2020. Trong đó, các sản phẩm may mặc có mức sụt giảm ít nhất, trong khi nhóm sợi giảm mạnh nhất. Nguyên nhân là do các DN may chủ yếu xuất khẩu các đơn hàng bị hoãn trong thời gian cách ly, ít thực hiện đơn hàng mới. Hiện tại khách hàng vẫn đang đặt hàng cầm chừng do lo ngại dịch bệnh diễn biến xấu trở lại.
Công ty Sợi Thế Kỷ đã ghi nhận sự phục hồi tốt trong tháng 9/2020 do nhu cầu sợ tái chế ít bị ảnh hưởng hơn so với sợi nguyên sinh và giá bán sợi tái chế cũng ổn định trong khi giá sợi nguyên sinh vẫn ở mức thấp. Điều này đã giúp doanh thu quý 3/2020 của công ty đạt 60% so với quý 1/2020, là quý chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Lợi nhuận sau thuế quý 3 dự kiến đạt hơn 10 tỷ đồng. Công ty dự báo sản lượng quý 4 sẽ tiếp tục hồi phục, đạt 80-90% so với quý 1/2020. Mặc dù vậy, do sự sụt giảm mạnh trong quý 2, Công ty Chứng khoán Rồng Việt vẫn dự báo doanh thu năm 2020 của Sợi Thế Kỷ sẽ giảm 32% so với năm 2019 và lợi nhuận sau thuế giảm 46%.
Công ty May Sông Hồng cũng đối mặt với hàng loạt khó khăn khi mức tiêu thụ các sản phẩm truyền thống gồm may mặc và chăn ga gối nệm sụt giảm mạnh do dịch bệnh, đặc biệt là việc chủ sở hữu chuỗi thời trang New York & Co. (chiếm 15% doanh thu hàng năm của May Sông Hồng) đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Tại thời điểm cuối quý 2/2020, khoản phải thu của New York & Co. có trị giá tới 219 tỷ đồng, chiếm 31% công nợ và 7% tổng tài sản của May Sông Hồng.
Với giả định May Sông Hồng sẽ trích lập dự phòng cho toàn bộ 219 tỷ đồng khoản phải thu của New York & Co., Công ty Chứng khoán Rồng Việt ước tính, doanh thu năm 2020 của công ty sẽ giảm 26%, lãi ròng giảm 89%. Biên lợi nhuận gộp dự kiến cũng giảm xuống còn 17,4%, từ mức 21% của năm 2019.
Trong khi đó, Công ty May Thành Công là DN hiếm hoi có kết quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận 9 tháng năm 2020 đã đạt gần 8,2 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019 và vượt 2% kế hoạch cả năm. Phân tích chi tiết kết quả kinh doanh của May Thành Công, Công ty chứng khoán Rồng Việt chỉ ra rằng, mảng vải có lãi tốt nhất nhờ nhu cầu đối với vải sản xuất trong nước tăng nhằm hưởng ưu đãi từ EVFTA. Thêm vào đó, công ty đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, quản lý doanh nghiệp... Đặc biệt, các đơn hàng khẩu trang lợi nhuận cao đã phần nào bù đắp sự sụt giảm của các đơn hàng truyền thống. Ban lãnh đạo của May Thành Công cũng dự kiến lợi nhuận sau thuế cả năm có thể vượt 20-25% so với kế hoạch đã đề ra.
Tận dụng các xu hướng mới
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các DN dệt may mới chỉ nhận được khoảng 50% đơn hàng cho quý 4. Thêm vào đó, giá gia công giảm từ 15 – 20% nên gần như DN lỗ từ khi nhận đơn hàng. Trong khi đó, mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là “chủ lực” của nhiều DN may hiện giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.
“Để giảm bớt chi phí và giữ chân người lao động, bắt buộc DN phải cho người lao động nghỉ luân phiên và sản xuất "cầm chừng", vì nếu người lao động bỏ đi làm việc khác đến khi thị trường khôi phục muốn họ quay về không phải đơn giản đặc biệt những ngành cần lao động có tay nghề như dệt may” – ông Việt cho hay.
Trong bối cảnh đó, ông Việt kỳ vọng Hiệp định EVFTA sẽ giúp ngành dệt may thoát khỏi khó khăn. Các DN sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, tuy nhiên cần phải chuẩn bị lên kế hoạch cụ thể và cần nắm rõ các quy định mà EVFTA yêu cầu như quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn về sản phẩm, nhu cầu của người tiêu dùng từng thị trường. Bởi lẽ, EU có yêu cầu rất cao về điều kiện sản xuất kinh doanh, công nghệ sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã sản phẩm và đặc biệt là trách nhiệm xã hội.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo các DN nên thúc đẩy chuyển đổi nhanh các mặt hàng truyền thống sang những mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Theo Công ty chứng khoán SSI (HM:SSI), sự thay đổi thói quen tiêu dùng hướng đến các sản phẩm athleisure (sản phẩm thời trang có tính ứng dụng cao) và đồ cơ bản, cùng với sự tăng trưởng mạnh của kênh bán hàng trực tuyến dự kiến vẫn là những động lực chính cho tăng trưởng chung của ngành sau đại dịch. Thêm vào đó, mặc dù các nhà sản xuất trong nước hầu như không có khả năng trực tiếp bán hàng trực tuyến tại các thị trường xuất khẩu, song các DN này vẫn có thể nỗ lực để giành thêm đơn hàng từ các thương hiệu được hưởng lợi từ các xu hướng mới hậu Covid-19.
Nắm bắt được xu hướng trên, nhiều DN cũng đang nỗ lực chuyển đổi hoạt động sản xuất. Cụ thể, Sợi Thế Kỷ đang phát triển và bán nhiều mặt hàng sợi may mặc có tính năng đặc biệt như chống nắng, chống nhăn, hút ẩm, nhuộm màu, co giãn, tạo hiệu ứng trên vải... Công ty May Thành Công cũng đã đầu tư mở rộng chuỗi sản xuất khép kín đáp ứng nhu cầu vải nội địa để tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Thêm vào đó, trong năm 2021, May Thành Công cũng sẽ khởi công nhà máy may 2 tại Vĩnh Long, tăng thêm 8 triệu sản phẩm từ mức 31 triệu sản phẩm hiện nay, và dự kiến sẽ nâng công suất nhuộm, đan, dệt trong giai đoạn 2022-2023.
Nguyễn Hiền