Vietstock - Cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ
Khu vực châu Mỹ bao gồm 35 quốc gia với dân số hơn 1 tỷ người và GDP vượt 27,300 tỷ USD (năm 2020), là một trong những thị trường quan trọng và tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư.
Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Vinatex (HN:VGT)
|
Quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và châu Mỹ đã có những bước phát triển tích cực trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng 10 năm trở lại đây, giá trị thương mại hai chiều đã tăng gần 5 lần, từ 28 tỷ USD vào năm 2011 lên 139 tỷ USD tỷ USD vào năm 2021.
Xét về kim ngạch thương mại với Việt Nam, châu Mỹ liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng thương mại cao nhất trong nhiều năm qua.
Sang năm 2022, thương mại song phương tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Tổng giá trị xuất nhập khẩu hai chiều trong 4 tháng đầu năm tăng 17.8%, đạt hơn 50 tỷ USD. Giá trị hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu đều ghi nhận tăng trưởng tích cực.
Chưa khai thác hết dư địa
Mặc dù đã có những bước phát triển tích cực trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Mỹ, tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang đối diện nhiều thách thức dẫn đến còn hạn chế trong việc khai thác dư địa của khu vực châu Mỹ rộng lớn.
Sản phẩm hàng hóa xuất khẩu có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao của Việt Nam sang thị trường khu vực châu Mỹ vẫn còn thấp. Nhiều mặt hàng thị trường có nhu cầu lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác hết và mức độ xâm nhập chưa nhiều như hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, thực phẩm, vật liệu xây dựng, sắt thép, thủy sản...
Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống phân phối tại các nước sở tại vì các tiêu chuẩn chất lượng. Chưa kể đến việc các doanh nghiệp Việt cũng ngày càng phải đối mặt với thách thức lớn hơn về các vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Khoảng cách địa lý xa xôi, thời gian vận chuyển hàng hóa cũng ảnh hưởng lớn đến chi phí, cũng là một khó khăn khiến hàng hóa Việt Nam vào thị trường này bị hạn chế (Mỹ Latinh là khu vực có khoảng cách và thời gian vận chuyển trung bình là 2 tháng). Điều này trực tiếp làm hạn chế việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, làm giảm tính cạnh tranh về giá đối với các sản phẩm bản địa.
Tình hình kinh tế toàn cầu trong bối cảnh hiện nay có nhiều biến động, lạm phát tại các nước sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng, chi phí sản xuất, năng lượng, logistics tăng cao cũng làm giảm tính cạnh tranh của xuất khẩu của Việt Nam.
Để thúc đẩy kim ngạch thương mại vào khu vực châu Mỹ, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, hiệp định ưu đãi thương mại, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khai thác tốt lợi ích từ các hiệp định này; hoàn thiện và tăng cường hiệu quả các khuôn khổ hợp tác như các Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban Hỗn hợp, Hội đồng thương mại…, đồng thời tìm kiếm và xây dựng các cơ chế hợp tác mới để thúc đẩy quan hệ thương mại với các đối tác châu Mỹ.
Mặt khác, Bộ Công Thương cùng hệ thống các thương vụ tiếp tục tăng cường cung cấp thông tin về cơ hội kinh doanh tại Việt Nam đến các doanh nghiệp khu vực châu Mỹ và ngược lại, thông tin về chính sách xuất nhập khẩu và thị hiếu tiêu dùng tại các nước châu Mỹ cho các doanh nghiệp Việt Nam để các doanh nghiệp có được thông tin đầy đủ và cập nhật phục vụ việc xây dựng kế hoạch sản xuất và kinh doanh với các đối tác tại châu Mỹ. Khuyến khích và hỗ trợ trao đổi các đoàn thương mại, tổ chức các hội nghị hội thảo về kinh doanh, giới thiệu và hỗ trợ thiết lập quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai Bên.
Một số vấn đề doanh nghiệp trong nước cần lưu ý
Thứ nhất, điều tra, khảo sát sức mua, thị hiếu và tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường châu Mỹ để xác định chính xác đích đến của các sản phẩm của mình là thị trường nào, từ đó có những kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Thứ hai, tìm hiểu và nắm vững những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chính sách thương mại, ưu đãi thuế quan và thị hiếu tiêu dùng tại các quốc gia châu Mỹ, tránh tình trạng bị trả lại hàng vì lý do kỹ thuật hoặc không được hưởng ưu đãi thuế quan vì không đáp ứng đủ điều kiện.
Thứ ba, trao đổi, liên lạc với hệ thống thương vụ và Bộ Công Thương về mức độ uy tín của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó đặc biệt chú ý tới quy trình thanh toán và vận chuyển quốc tế.
Thứ tư, nghiên cứu, nắm rõ quy định điều tra phòng vệ thương mại của của các nước và cập nhật các diễn biến của vụ việc, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra và phối hợp với Bộ Công Thương để nhận được sự hỗ trợ kịp thời trong trường hợp vụ việc điều tra được khởi xướng.
Cơ hội tại thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới
Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương cho rằng nếu các doanh nghiệp Việt Nam khắc phục được những khó khăn nêu trên sẽ có rất nhiều cơ hội trong tương lai tại khu vực châu Mỹ, đặc biệt tại thị trường Mỹ - đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, các hoạt động thương mại với Mỹ đã và đang chiếm tới hơn 80% giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và toàn bộ châu Mỹ. Do đó, dư địa phát triển cho quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ còn rất lớn, thể hiện rõ qua việc kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục đạt được những bước phát triển ấn tượng.
Trong giai đoạn 2011-2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ tăng gần 5.2 lần. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong giai đoạn này tăng gần 5.7 lần; nhập khẩu tăng gần 3.4 lần.
Mỹ hiện đang dẫn đầu các thị trường xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch vượt xa các thị trường xuất khẩu lớn khác của Việt Nam như Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho thị trường Mỹ.
Kể từ khi Hiệp định Thương mại Việt Nam – Mỹ được ký kết năm 2000, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể theo hướng tăng dần nhóm hàng chế biến, chế tạo, từng bước nâng cao giá trị gia tăng.
Trong giai đoạn 2011-2021, nhiều nhóm hàng đã nổi lên chiếm tỉ trọng lớn trong thương mại song phương như nhóm dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản và nhóm các mặt hàng công nghệ điện tử kỹ thuật cao như máy vi tính, điện thoại, linh kiện điện tử, máy móc phục tùng. Đây cũng là những ngành hàng tiềm năng cho các doanh nghiệp trong nước tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng hàng hóa, nguyên liệu lớn từ Mỹ. Một số mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Mỹ như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, bông, máy móc, thiết bị phụ tùng, chất dẻo nguyên liệu...
Với quy mô dân số hơn 333 triệu người cùng sức mua lớn, Mỹ là thị trường tiềm năng và đang phát triển rất tích cực. Đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới với sức mua cao, đồng thời là thị trường có xu hướng tăng cả về giá cũng như quy mô; môi trường chính sách, quan hệ Việt Nam - Mỹ đang có nhiều thuận lợi; nhu cầu và tập quán tiêu dùng phong phú theo thu nhập, đặc trưng văn hóa, vùng miền tạo nên dư địa lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác có hiệu quả; ngoài ra lực lượng người Việt đông đảo chính là cầu nối, là nhóm khách hàng quan trọng của hàng hóa Việt Nam.
Nhật Quang