Vietstock - Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực khi EVFTA có hiệu lực
Theo những cam kết EVFTA, EU xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
* EVFTA: Muốn phóng trên 'cao tốc' thì phải làm tốt 'đường gom', 'lối mở'
* Đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết sớm phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA
* EVFTA: 'Cửa ngõ mới' cho đa dạng hóa thị trường
Nhiều ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày, nông sản sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào EU khi EVFTA thực thi. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
|
Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-EU (gọi tắt là EVFTA) chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-EU.
Theo các chuyên gia, các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày và nông sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao giá trị xuất khẩu khi EVFTA được thực thi.
Nhiều ưu đãi về thuế quan
Châu Âu là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt 56,39 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,48 tỷ USD, nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD.
Theo những cam kết EVFTA, EU xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, bao gồm một số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao..., EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan (TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Còn Việt Nam cam kết xoá bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu đối với hàng hoá xuất sang EU…
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (ngày 20/5), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đến thời điểm hiện nay Chính phủ đã cơ bản hoàn tất các công việc, từ việc sửa đổi pháp luật để phù hợp với Hiệp định EVFTA đến công tác chuẩn bị cho việc thực hiện EVFTA.
Đặc biệt theo đánh giá, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19. Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh cũng như giúp mở rộng và đa dạng hơn thị trường xuất khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định…
Bên cạnh những tác động tích cực và rõ rệt về mặt kinh tế và cải cách pháp luật - thể chế theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, với những cam kết đã đạt được, EVFTA dự kiến cũng sẽ giúp Việt Nam giảm nghèo nhanh hơn.
Với những điểm nổi bật trên, về mặt vĩ mô, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nhiệm vụ được ưu tiên cao nhất trong thời gian tới ngay sau khi Hiệp định được phê chuẩn và có hiệu lực là phải phổ biến kiến thức pháp luật và cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về các hiệp định này cũng như Chương trình hành động của Chính phủ, từng nội dung cụ thể liên quan đến từng ngành, từng hệ thống tổ chức và đối với doanh nghiệp, người dân.
Còn theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiệp định sẽ là “cú hích” rất tốt cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trở lại.
Tuy nhiên, bà cũng lưu ý các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình để có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp đồng thời xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối doanh nghiệp trực tuyến để duy trì và phát triển thị trường ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở một số nước.
- Thương mại hai chiều Việt Nam-EU năm 2019:
Nắm rõ quy định để thành công
EU là một thị trường có mức thu nhập cao, đồng thời cũng có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ với những rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu. Do đó, hiệp định EVFTA yêu cầu rất khắt khe về đảm bảo quy tắc xuất xứ, tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường…
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm các thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận các thị trường khi mà hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang khu vực này trong lộ trình từ 7-10 năm thì thuế xuất về 0%.
Song theo ông, thuế chỉ là một vấn đề, quan trọng là các doanh nghiệp cần phải nhận biết và tìm ra các giải pháp để vượt qua, đặc biệt là các hàng rào về tiêu chuẩn chất lượng…
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) nhìn nhận, những cơ hội rõ rệt nhất và nhìn thấy ngay được đó là cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông sản khi EVFTA có hiệu lực. Đây cũng là ngành hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam nhưng lại đang gặp khó khăn ở một số thị trường do tác động của dịch COVID-19.
“Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu về nông sản, thực phẩm tiếp tục gia tăng thêm và Việt Nam là một nước kiểm soát được dịch bệnh một cách rất tốt do vậy đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy, mở rộng sản xuất cũng như đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp và tái cấu trúc thị trường, tái cấu trúc sản phẩm và tái cấu trúc về tổ chức sản xuất nông nghiệp,” tiến sỹ Nguyễn Đình Cung nói.
Cùng với việc tăng cường quan hệ tổng thể với EU, EVFTA còn tạo điều kiện rất tốt để Việt Nam và từng nước thành viên EU mở ra những cơ hội hợp tác trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng nước, đưa hợp tác song phương ngày càng đi vào thực chất, bền vững...
Thông qua EVFTA, Việt Nam có cơ hội đón đầu làn sóng đầu tư từ các thị trường thuộc Liên minh châu Âu (EU). Đây là những nguồn đầu tư mà Việt Nam rất kỳ vọng bởi EU có nền công nghệ và quản trị chất lượng cao./.
Đức Duy