Vietstock - Chuyên gia nói gì về gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng?
Chấp nhận tăng bội chi 240.000 tỷ đồng mạnh tay thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên, từ bài học xương máu năm 2009, điều các chuyên gia kinh tế lo ngại, tiền chảy vào lĩnh vực đầu cơ hay lợi dụng chính sách...
Chính phủ trình Quốc hội quy mô gói chính sách tài khóa, tiền tệ gần 350.000 tỷ đồng hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. |
Quy mô gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường dù thấp hơn nhiều so với những đề xuất trước đây, với khoảng 350.000 tỷ đồng tập trung thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023, nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, tạo sức bật tăng trưởng lên mức 6,5 - 7%/năm, tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia.
Hỗ trợ phải đúng đối tượng thụ hưởng
Dựa trên đề xuất về gói phục hồi, trao đổi với phóng viên chúng tôi, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV (HM:BID) cho rằng: “Tăng trưởng kinh tế từ 6,5-7% trong năm nay là khả thi, nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ cơ bản trong tầm kiểm soát. Tất nhiên cần lưu ý nhiều rủi ro”, ông Lực nhấn mạnh.
Cần thấy rõ hơn Chương trình sẽ mang lại những hệ lụy gì, đánh giá tác động để kiểm soát rủi ro. Các đại biểu Quốc hội cũng còn nhiều băn khoăn”, ông Lực lưu ý.
Để triển khai gói hỗ trợ thành công, ông Lực cho rằng, thứ nhất, phải tiếp tục rà soát kỹ hơn đối với những đối tượng nhận hỗ trợ.
Thứ hai, phải có một quy trình cực kỳ rõ ràng. Rút kinh nghiệm năm 2009 thời điểm đó, quy trình, quy phạm không có và triển khai rất dàn trải, lạm phát leo thang hay đầu tư chệch hướng vào chứng khoán, bất động sản rất phức tạp. Khi đó, các ngân hàng thương mại sẽ tự tin cho vay.
Dù khi triển khai sẽ có giám sát, kiểm tra đánh giá, nhưng ông Lực cho rằng có lẽ cũng phải tính phương án xấu nhất, sẽ có một số sai sót nhỏ nhất định, tức là một vài khoản vay, một vài trường hợp nhầm đối tượng. Nhưng phải tính toàn cục, không vì một vài khoản vay, một vài đối tượng lại cho rằng chương trình thất bại.
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng lưu ý, một số cấu phần phải phân định rõ hơn, đúng bản chất hơn. Chẳng hạn, cấu phần sử dụng 46.000 tỷ để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, được đưa vào chính sách tiền tệ là chưa chính xác.
Ông Lực cũng cho rằng, cần phải đánh giá kỹ lưỡng tác động với tăng trưởng GDP trong hai năm 2022-2023. Hay tác động tới nghĩa vụ trả nợ và lạm phát chỉ trong hai năm 2022 – 2023, hiện Chính phủ đang tính toán cho cả giai đoạn 2021 – 2025.
Để tránh hậu quả khôn lường gói kích thích tài trợ lãi suất như năm 2009, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh nhấn mạnh, gói hỗ trợ lãi suất rất tốt nhưng vấn đề quan trọng nhất cách làm, rút ra từ những bài học xương máu năm 2009.
Ông Nghĩa lưu ý, một là, cần lưu ý khi tăng trưởng tín dụng vượt quá quy định của Ngân hàng Nhà nước. Năm 2009, chúng ta để cho tăng trưởng tín dụng vọt lên 37% và cuối cùng dẫn đến lạm phát.
Hai là, tránh doanh nghiệp lợi dụng chính sách, vay rẻ chỗ này và gửi tiền chỗ khác hay đổ tiền vào chứng khoán, bất động sản.
Ba là, hạch toán, quyết toán thông suốt, nhất là đối với hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng không thay đổi điều kiện tín dụng, không thay đổi hạn mức tăng trưởng tín dụng và không thay đổi lãi suất cho vay. Những đối tượng được ngân sách tài trợ lãi suất thì sẽ nhận từ ngân sách. Doanh nghiệp, hộ gia đình đều có quan hệ trực tiếp với ngân sách trong việc nộp thuế, quyết toán thuế hằng năm, có thể cấn trừ những khoản này, tránh đi vào bảng cân đối tài sản của hệ thống ngân hàng vô cùng phức tạp.
Khi đó, "vừa tránh được các chuyện méo mó lãi suất, không để lọt cơ hội vay chỗ rẻ, gửi tiền nơi đắt", ông Nghĩa khẳng định.
Hóa giải ách tắc, thúc đẩy giải ngân nhanh
Tuy nhiên, đánh giá cao về chương trình phục hồi Chính phủ vừa đề xuất, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thiết kế chính sách sát hơn và có vẻ trúng hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp với 5 cấu phần rõ rệt, thậm chí có danh mục dự án khá cụ thể, chi tiết so với trước đây.
Chia sẻ về sự sụt giảm quy mô gói hỗ trợ, ông Lực cho hay, khi tính toán quy mô gói hỗ trợ sẽ có hai số liệu là giá trị danh nghĩa và giá trị thực chi.
Còn nhớ tại Diễn đàn Kinh tế 2021 tổ chức cuối năm 2021, theo đề xuất của nhóm nghiên cứu của Thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và các chuyên gia, gói kích thích dự kiến lên đến 843.845 tỷ đồng trên danh nghĩa, thực chi là 445.760 tỷ, chiếm khoảng 5,48% GDP năm 2021.
“Doanh nghiệp, người dân và giới chuyên gia đều mong muốn có một gói quy mô lớn hơn, tuy nhiên, Chính phủ, Quốc hội cũng đã và đang cân nhắc nhiều khía cạnh, gồm cả năng lực ngân sách, khả năng hấp thụ và rủi ro có thể phát sinh”, ông Lực lý giải. |
Với dự thảo của Chính phủ lần này, đề xuất thực chi gần 350.000 tỷ. Trong đó, chính sách tài khoá là trụ cột có tổng quy mô 291.000 tỷ đồng, chiếm trên 80% gói hỗ trợ. Đáng chú ý, hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước lên tới 240.000 tỷ thay vì "mờ nhạt" chủ yếu chỉ giãn, hoãn các khoản thuế, phí như trước đây.
Đáng quan tâm, gói hỗ trợ lãi suất khá tốt, hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là 40 nghìn tỷ đồng trong 2 năm
“Như vậy sẽ lan tỏa ra khoảng 1 triệu tỷ đồng tín dụng được hỗ trợ, bao gồm cả tín dụng mới lẫn tín dụng cũ, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng”, ông Lực nhấn mạnh.
Bình luận về gói hỗ trợ này, TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận có hai đề xuất nổi bật.
Một là, gói phát triển cơ sở hạ tầng nhận được nhiều sự đồng tình do có thể giải quyết nhanh những ách tắc hiện nay về đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là cho những vùng kinh tế trọng điểm như dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, sân bay Long Thành hay một số cảng logistics lớn để giảm chi phí vận chuyển của Việt Nam hiện đang rất cao so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Theo số liệu của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải, hiện Việt Nam có mức độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc theo thông lệ quốc tế căn cứ theo các chỉ tiêu mật độ km/km2, km/dân số, khá thấp so với một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể, chỉ tiêu về km/km2 thấp hơn 6,3 lần so với Nhật Bản, 5 lần so với Trung Quốc, 13,5 lần so với Hàn Quốc,… Về chỉ tiêu km/dân số thấp hơn 5,5 lần so với Nhật Bản, 10 lần so với Trung Quốc, 8 lần so với Hàn Quốc.
Như vậy, “với trục cao tốc xương sống được hình thành sẽ nâng số km đường cao tốc trên diện tích và dân số của Việt Nam. Đây một trong những nền tảng để phát triển dài hạn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Hai là, tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước và tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội với mục đích cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, cho vay ưu đãi sinh viên, người nghèo... “Đây là gói rất tốt bởi vì sinh viên là lực lượng lao động tương lai và nếu họ gặp khó khăn sẽ để lại nhiều vấn đề về xã hội”, ông Nghĩa nhìn nhận.
Bên cạnh đó, kỳ họp bất thường của Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua một số dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
“Việc này sẽ khai thông những ách tắc về mặt pháp lý. Trên nền tảng đó có thể thúc đẩy nhanh được giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt những vấn đề có liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng”, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh khẳng định.
Mạnh tay giảm thuế giá trị gia tăng
Một điểm nhấn với chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế được các chuyên gia đánh giá cao về chính sách giảm thuế, phí, lệ phí, đặc biệt giảm thuế giá trị gia tăng sẽ như liều thuốc kích cầu tiêu dùng trong đại dịch.
"Cân nhắc quy mô, liều lượng của việc miễn, giảm thuế. Tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng”, Uỷ ban Kinh tế đề xuất. |
Uỷ ban Kinh tế Quốc hội thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí, trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10%.
Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế đề nghị rà soát đối tượng áp dụng, cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa, loại trừ các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đồng ý quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực cho hay, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% không nên áp dụng đại trà, chỉ hướng vào những lĩnh vực hiện nay chịu thuế suất 10%. Một số dịch vụ đang hưởng lợi bị dịch bệnh như công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tài chính ngân hàng... hay hàng hóa nhập khẩu sẽ không được giảm thuế.
Chia sẻ quan điểm về tăng thuế với lĩnh vực bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa nêu thực tế, giá đất đang bị kích hoạt, dậy sóng sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm xác lập kỷ lục 2,4 tỷ đồng/m2. “Giá đất không chỉ tăng ở TP. Hồ Chí Minh mà lan dần sang các thành phố khác. Nhà phát triển cơ sở hạ tầng mới nhảy vào trường bị cản trở do giá đền bù giải phóng mặt bằng tăng chóng mặt”, ông Nghĩa nhìn nhận. Tuy nhiên, việc tăng hay giảm tăng thuế đối với bất kỳ lĩnh vực nào đều cần tính toán kĩ lưỡng.
"Năm 2022 và những năm tới, muốn thành công phải làm tốt hai chương trình trọng điểm. Một là, thực hiện tốt chương trình chương trình phòng chống dịch bệnh. Hai là, chương trình phục hồi sớm thông qua và triển khai hiệu quả. Hai chương trình trọng điểm như hai vế của một phương trình, tức phải thực hiện song hành, không thể thiếu một trong hai". |
"Động lực quan trọng nhất hiện nay làm thế nào để tăng cầu tiêu dùng của toàn bộ nền kinh tế. Cầu tiêu dùng quyết định đến tăng trưởng GDP bởi cầu tiêu dùng chiếm tới 65%. Việc giảm thuế giá trị gia tăng thêm 2% sẽ tạo hiệu ứng mạnh nhất. Khi đó, giá cả hàng hoá giảm xuống, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Vấn đề là có nên phủ rộng chính sách này? Theo tôi, nên áp dụng khá rộng cho nhiều loại hàng hoá như tại Mỹ. Tiêu dùng nội địa phục hồi sẽ tạo đà phục hồi nền kinh tế". |
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình. Cụ thể, tăng bội chi ngân sách nhà nước để có nguồn thực hiện Chương trình với tổng số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Trong đó, năm 2022 khoảng 102,8 nghìn tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước lên 5,08% GDP, tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán. Đồng thời, cho phép: (i) nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể cao hơn 25%; (ii) tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương có thể cao hơn Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia Quốc hội đã phê duyệt; (iii) kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân thấp hơn 9 năm. Chấp thuận việc ngân sách nhà nước có thể vay các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn; Bộ Tài chính phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước. |
Nguồn: Tờ trình của Chính phủ.
|
Ánh Tuyết