Vietstock - Chuẩn bị thu phí cao tốc 1.000 - 1.500 đồng/km?
Bộ Tài chính đang trình phương án thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư với mức thu dự tính từ 1.000 - 1.500 đồng/km/xe.
Cao tốc TP.HCM (HM:HCM) - Trung Lương có thể sẽ thu phí ngay trong năm nay nếu đề án được thông qua. Ảnh: Khả Hòa
|
Theo đó, Chính phủ sẽ trình dự thảo này lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) theo 2 phương án.
Phương án 1 là ban hành nghị quyết bổ sung “dịch vụ sử dụng đường cao tốc” vào loại dịch vụ mà nhà nước định giá. Đối với đường cao tốc do T.Ư quản lý, Bộ GTVT sẽ quy định giá tối đa. UBND tỉnh, TP sẽ quy định giá cho các tuyến cao tốc địa phương quản lý.
Phương án 2 là Ủy ban TVQH sẽ ban hành nghị quyết sửa đổi Danh mục phí và lệ phí. Chính phủ sẽ quy định phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư.
Sở dĩ có 2 phương án là để Ủy ban TVQH xem xét cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Còn về mức giá, Bộ Tài chính và Bộ GTVT thống nhất dự kiến thu từ 1.000 - 1.500 đồng/xe/km (mức cụ thể sẽ được Bộ GTVT hoặc Chính phủ quyết định sau khi nghị quyết được thông qua). Thời gian dự kiến áp dụng ngay trong năm 2020.
Chi phí bảo trì 830 triệu đồng/km/năm
Theo tờ trình của Bộ Tài chính, mạng lưới đường bộ Việt Nam đang khai thác dài 668.750 km. Trong đó, đường cao tốc có 16 tuyến, dài 968,7 km. Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mạng đường bộ cao tốc sẽ gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km. Như vậy, tỷ lệ tuyến đường cao tốc hiện có so với quy hoạch mới đạt khoảng 15%. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng đường cao tốc đòi hỏi lượng vốn rất lớn, trong khi nguồn lực nhà nước còn hạn chế.
Cụ thể, suất đầu tư đường cao tốc 4 làn khoảng 130 tỉ đồng/km, 6 làn khoảng 190 tỉ đồng. Đặc biệt, chi phí bảo trì đường cao tốc khoảng 830 triệu đồng/km/năm, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho công tác quản lý, bảo trì hằng năm chỉ đáp ứng khoảng 35 - 40% nhu cầu tối thiểu, dẫn đến tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh... Vì vậy, cần bổ sung quy định thu phí (hoặc giá) dịch vụ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc do nhà nước đầu tư.
Theo tính toán của Bộ GTVT trên cơ sở phân tích dữ liệu sử dụng 5 tuyến đường cao tốc hiện hành, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện cho thấy, so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân theo xe đơn vị là 2.518 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Như vậy, nếu phải nộp phí khoảng 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì chủ phương tiện vẫn hưởng lợi khoảng 1.500 đồng/km.
Về tác động đối với ngân sách, Bộ Tài chính tính toán với tổng chiều dài 196 km (tổng chiều dài các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư tính đến nay), nếu thực hiện thu phí dịch vụ đường cao tốc với mức thu là 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì dự kiến hằng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỉ đồng. “Đây là nguồn vốn quan trọng bổ sung cho việc đầu tư cải tạo hệ thống đường cao tốc hiện hành, cũng như bổ sung vốn đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc mới”, Bộ Tài chính khẳng định.
Lo ngại phí chồng phí
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, phí bảo trì đường bộ các xe đang đóng hằng năm là thu để bảo trì cho toàn bộ các đường khác nhau (gồm đường xã, thôn, tỉnh, huyện). Việc thu phí cao tốc do ngân sách đầu tư ngoài phần bảo trì cho cao tốc còn là nguồn để đầu tư các tuyến cao tốc khác. Ông Đông cho rằng: “Nếu thu đủ, thì mức phí không chỉ ở 1.500 đồng/km, mà sẽ tới vài nghìn đồng/km”.
Trên thực tế, năm 2012, khi xây dựng đề án Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ GTVT đã xóa bỏ các trạm thu phí trên các tuyến đường ngân sách đầu tư, tránh chồng chéo với phí bảo trì đường bộ. Ngay mới đây, khi đề xuất cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT cũng đưa ra phương án nhượng quyền thu phí sau khi hoàn thành với các tuyến sử dụng vốn đầu tư công (6 đoạn tuyến). Nếu đề xuất thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư được thông qua, sẽ không còn đường miễn phí cho người dân hay doanh nghiệp, bởi phần lớn các tuyến quốc lộ hiện nay đều đã đặt trạm BOT.
Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, doanh nghiệp vận tải đang phải chịu mức phí đường bộ rất cao, chiếm 1/3 chi phí.
“Chúng tôi cũng ủng hộ việc tái đầu tư, không thể tuyến nào cũng làm BOT, nhưng giờ đường nào cũng phải đóng phí thì doanh nghiệp rất đuối”, ông Quản nói. Hiện, 1 chuyến xe di chuyển từ TP.HCM đến Hà Nội và quay đầu lại vào TP.HCM tốn khoảng 8,4 triệu đồng để trả phí BOT, chiếm khoảng 30% tổng chi phí của chuyến xe, chưa tính hàng loạt loại phí khác, trong đó có phí bảo trì đường bộ.
TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), phân tích quan điểm của Bộ GTVT là phí bảo trì đường bộ chỉ thu để bảo trì các đường quốc lộ, tỉnh lộ... nguồn thu hiện cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Các bộ muốn tăng thêm nguồn thu để đầu tư các tuyến mới, nên đưa ra đề án thu các tuyến cao tốc do ngân sách đầu tư, đồng nghĩa phải bổ sung trong luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
“Nhưng về phía người dân thì lý do đó không thực sự thuyết phục, vì đầu tư bằng ngân sách thực tế một phần trong đó cũng từ nguồn thuế của người dân. Các bộ nên ngồi lại cân đối khả năng chịu đựng của người dân và doanh nghiệp, có thể tính tới khả năng xem xét giảm bớt phí bảo trì đường bộ hằng năm. Cần nghiên cứu cân bằng lợi ích thu thêm cho ngân sách, nhưng khoan thư sức dân”, TS Nguyễn Hữu Đức nói.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay có rất nhiều khoản thu thuế, phí (thuế tiêu thụ đặc biệt, phí sử dụng đường bộ, lệ phí trước bạ...) đều tính và thu theo phương tiện. Đối với sử dụng đường bộ, hiện nhà nước đang thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện (tiền phí thu được sử dụng cho hoạt động bảo trì hệ thống đường bộ do nhà nước quản lý); doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường bộ thu phí dịch vụ (theo cơ chế giá) qua trạm thu phí để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ. Việc thực hiện thu phí dịch vụ thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư có thể dẫn đến phản ứng của các đối tượng tham gia giao thông, sẽ có ý kiến cho rằng phí chồng phí. |
Mai Hà