Vietstock - Chính phủ trình dự thảo về chính quyền đô thị tại TP HCM (HM:HCM)
Chính phủ thông qua dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM và đang trong quá trình báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét.
Ngày 7/10, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra tờ trình về dự thảo nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM.
Theo Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn, TP HCM là đô thị loại đặc biệt, song chưa phát huy hết tiềm năng, trong đó có nguyên nhân là mô hình chính quyền địa phương chưa phù hợp với đô thị loại đặc biệt. Trong khi đó, tổng kết hơn 6 năm thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại TP HCM cho thấy nhiều kết quả tích cực, như tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm ngân sách...
"Việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM là cần thiết," ông Tuấn nói.
Về tên gọi, Chính phủ đề nghị là nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, áp dụng trực tiếp, lâu dài, chứ không thí điểm, thử nghiệm trước khi tổng kết để áp dụng chính thức trên phạm vi rộng như Hà Nội, Đà Nẵng. Chính phủ cũng đề xuất nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2021 và thực hiện từ 1/7/2021.
Thảo luận tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình sự cần thiết của mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM, nhưng vấn đề "thí điểm" hay "không thí điểm" còn ý kiến khác nhau. Một số ý kiến nhất trí với tờ trình của Chính phủ là "không thí điểm" và cho rằng, trước đây, TP HCM là một trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, sau đó đã tổng kết, rút ra các bài học kinh nghiệm.
Nhiều đại biểu khác lại đề nghị xác định tên gọi là nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM, với nội dung, phạm vi như nghị quyết với Hà Nội và Đà Nẵng.
Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM là vấn đề hệ trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân trên địa bàn, mà còn ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng chung của cả nước.
Hơn nữa, TP HCM có diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc rất lớn, đông dân nhất cả nước. Do đó, việc lựa chọn bước đi đột phá trong việc tổ chức chính quyền đô thị cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ để bảo đảm tính khả thi...
Quận 2, một phần của TP Thủ Đức, thuộc TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa
|
Trước đó trong phiên họp ngày 2/10, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. Tại phiên họp này, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói cùng với đề án thành lập thành phố Thủ Đức đang được triển khai, đề án tổ chức chính quyền đô thị TP HCM hướng tới nhiều mục tiêu.
Trước hết, nhằm tinh gọn và đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, nếu nghị quyết được Quốc hội thông qua sẽ tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố; nêu cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị; nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công, phù hợp với tính chất, đặc điểm của đô thị đặc biệt.
TP HCM đã có cơ sở thực tiễn nhiều năm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Ngoài ra, nhiều nội dung của dự thảo nghị quyết kế thừa các nội dung đã được Quốc hội thông qua trong nghị quyết về thí điểm chính quyền đô thị tại Đà Nẵng, Hà Nội.
Sau phiên họp nêu trên, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ hoàn thiện dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM; phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự thảo nghị quyết này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM được thành phố trình cấp trên vào cuối năm 2019. Lúc đó chính quyền đô thị TP HCM được đề xuất có HĐND và UBND tổ chức 2 cấp (theo quy định hiện hành là 3 cấp) gồm cấp thành phố trực thuộc trung ương và cấp cơ sở. Chính quyền cấp cơ sở bao gồm cấp xã, thị trấn và thành phố trực thuộc.
Viết Tuân