Vietstock - Chính phủ cho phép không cắt giảm vốn đầu tư của các đơn vị giải ngân dưới 60%
Các bộ ngành, địa phương tới ngày 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2021 cũng sẽ không bị cắt giảm vốn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ đã quyết định cho phép không thực hiện cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân dưới 60%.
|
Chính phủ đã quyết định cho phép không thực hiện cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đã được giao từ đầu năm 2021 theo quy định tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ.
Đây là một nội dung quan trọng của Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2021, vừa được ban hành.
Cũng theo Nghị quyết, thì người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và UBND cấp tỉnh chủ động điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 đã được kéo dài sang năm 2021 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang 2021-2025 hoặc thu hồi vốn ứng trước và nghĩa vụ thanh toán của ngân sách Trung ương.
Chính phủ sẽ thành lập các tổ công tác đi kiểm tra đôn đốc việc này.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2021, nhằm điều hành việc giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta bị tác động lớn bởi đại dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cho phép không thực hiện cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp.
Đồng thời, cũng kiến nghị Chính phủ thống nhất việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 đã được kéo dài sang năm 2021 thực hiện theo hướng “người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh chủ động điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 đã được kéo dài sang năm 2021 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang 2021-2025 hoặc thu hồi vốn ứng trước và nghĩa vụ thanh toán của ngân sách Trung ương”.
Chính phủ đã thông qua đề xuất này.
Theo số liệu được báo cáo trước đó, 9 tháng, giải ngân vốn đầu tư công cả nước đạt trên 218.550 tỷ đồng, bằng 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, khá thấp so với mức đạt được của cùng kỳ - 56,33%.
Sau 9 tháng, chỉ có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%; 46/50 bộ, cơ quan trung ương và 52/63 địa phương giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đã được giao từ đầu năm 2021.
Sang tháng 10, tình hình giải ngân đã khá hơn. Do vậy, 10 tháng, cả nước giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trên 257.387 tỷ đồng, đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 67,25%).
Sau 10 tháng, có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 65%. Tuy nhiên, vẫn còn có 32/50 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%. Thậm chí, trong số này, có 20 bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%; và có 2 cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công chậm, ngoài các nguyên nhân cố hữu như công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu…, còn có những nguyên nhân đặc biệt khác.
Đó là năm 2021 là năm chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự gắn với đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân, UBND các cấp. Đây cũng là năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới.
Đối với các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025, tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư những tháng đầu năm và chỉ triển khai thực hiện sau khi được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Năm 2021 cũng là năm rất đặc biệt bởi chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch như vậy và cũng chưa bao giờ nhiều tỉnh, thành, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc như năm nay.
Điều này dẫn đến lưu thông hàng hóa trong đó có nguyên nhiên vật liệu khó khăn, giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng, nguồn lao động bị hạn chế do nhiều công nhân nghỉ việc, phát sinh thêm các chi phí phòng chống dịch.
Chính vì những lý do “đặc biệt” này nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất không cắt giảm vốn kế hoạch 2021 của các đơn vị giải ngân chậm. Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, không cắt giảm vốn đầu tư cũng là cách để có thêm nguồn lực, thúc tăng trưởng kinh tế.
Hà Nguyễn