Vietstock - Căng thẳng chuyện giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng mạnh
Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu đang trải qua những biến động rất lớn do giá cả mặt hàng gỗ nguyên liệu tăng mạnh, tăng từ trên 35% đến hơn 50% chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Thông tin này được ghi nhận tại Hội nghị trực tuyến “Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức vào chiều 22-4 tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định).
Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị “Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu” chiều ngày 22-4. Ảnh: Vifores |
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), cho biết ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang trải qua những biến động rất lớn trong thời gian vừa qua. Đại dịch Covid-19 và gần đây là xung đột giữa Nga và Ukraina làm cho cước vận chuyển tăng phi mã, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.
Dẫn số liệu thống kê gỗ nhập khẩu từ Tổng cục Hải quan, ông Lập cho biết chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2022, giá gỗ thông tròn nhập khẩu đã tăng 52%, gỗ thông xẻ nhập khẩu tăng 38%, gỗ sồi xẻ tăng 36%.
Bên cạnh đó, thời gian nhập khẩu kéo dài dẫn đến các doanh nghiệp phải chậm các hoạt động sản xuất. Các yếu tố này đang trực tiếp làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành, Chủ tịch Vifores nói.
Bài toán cần thiết hơn bao giờ hết đặt ra cho ngành hiện nay là làm thế nào Việt Nam cần chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, tiến tới thay thế nguồn gỗ nhập khẩu hiện đang ở con số 5-6 triệu m3 mỗi năm như hiện nay.
Làm thế nào để Việt Nam có thể phát triển được nguồn gỗ nguyên liệu trong nước là gỗ lớn, có chất lượng, đa dạng về chủng loại và bền vững? Đây là những câu hỏi cấp thiết mà ngành cần phải giải quyết trong thời gian tới nếu muốn giữ vững lợi thế cạnh tranh của ngành, ông Chủ tịch Vifores nhấn mạnh.
Tương tự, theo ông Nguyễn Vinh Quang, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends, gỗ nguyên liệu chiếm 40-60% trong cơ cấu giá thành sản phẩm đồ gỗ. Trong giai đoạn 2012-2021 mỗi năm Việt Nam nhập khẩu trung bình hơn 4,8 triệu m3 gỗ nguyên liệu (quy tròn) từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2021 Việt Nam nhập khẩu gần 6 triệu m3 gỗ (quy tròn).
Bức tranh nhập khẩu gỗ nguyên liệu có nhiều biến động lớn trong quý 1 năm 2022. Giá gỗ nhập khẩu từ các nguồn hợp pháp (châu Âu, Mỹ) tăng mạnh. Trong đó, gỗ thông tăng giá mạnh từ 91 đô la Mỹ/m3 vào đầu năm 2021 lên 139 đô la/m3 vào tháng 2-2022, tăng tới 52%.
Theo các doanh nghiệp, Tổ chức FSC đã ngừng toàn bộ các hoạt động thương mại có liên quan tới gỗ Nga, điều này có nghĩa rằng gỗ từ Nga được coi là bất hợp pháp. Ngoài ra, Chính phủ Nga cũng đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn để trả đũa với các lệnh trừng phạt của phương tây. Kết quả của các biện pháp trừng phạt và trả đũa là nguồn cung gỗ từ Nga giảm. Viêc hụt một lượng cung lớn về gỗ nguyên liệu đang tạo ra sự cạnh tranh về nguyên liệu giữa các quốc gia nhập khẩu, đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng.
Chính phủ ưu tiên, khuyến khích việc phát triển gỗ rừng trồng là gỗ lớn, có chứng chỉ bền vững. Điều này đã thể hiện rõ trong Chiến lược Phát triển ngành Lâm nghiệp 2006 -2020 và gần đây là Chiến lược 2020 -2030 và Tầm nhìn tới 2050, cũng như trong Đề án Phát triển bền vững ngành Chế biến gỗ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3 vừa qua.
Bên cạnh các cơ chế chính sách kể trên, các doanh nghiệp trong ngành cũng nỗ lực trong việc tìm kiếm cơ hội tham gia trực tiếp vào chuỗi cung trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả thực tế đến nay của việc trồng rừng gỗ lớn, đặc biệt là trồng rừng có chứng chỉ bền vững FSC thì thấy còn nhiều hạn chế. Con số thống kê của Nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội Gỗ và Forest Trends cho thấy tính đến hết tháng 3 năm 2022 tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất có chứng chỉ FSC của Việt Nam đạt gần 180.000 ha, tương đương khoảng 5% trong tổng số diện tích rừng sản xuất của Việt Nam. Nếu tính cả diện tích rừng đạt chứng chỉ VFCS/PEFC (khoảng 50.000 ha cho tới nay) thì tổng diện tích rừng có chứng chỉ bền vững mới chỉ đạt dưới 7% tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất.
Bên cạnh đó, tỉ trọng gỗ rừng trồng đi vào chế biến đồ gỗ thấp, chỉ chiếm 30-40% trong tổng lượng gỗ khai thác. Phần còn lại 60-70% đi vào dăm và viên nén. Năng suất rừng trồng tới nay cũng còn rất hạn chế. Nhiều diện tích mới chỉ đạt 10-15 m3/ha/năm, thấp hơn nhiều so với tiềm năng.
Do đó, ông Lập đặt vấn đề cần phải giải quyết bài toán tạo nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng bền vững để thay thế nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu. “Chúng ta cần xác định được chính xác các rào cản đối với việc phát triển rừng trồng gỗ lớn là gì? Có phải các rào cản về tiếp cận, đất đai, về thị trường đầu ra sản phẩm, về kỹ thuật như giống, kỹ thuật canh tác hay về môi trường cơ chế chính sách chưa phù hợp?”, ông Lập nêu, và cho rằng: “Chỉ khi nào chúng ta xác định được chính xác các rào cản này thì chúng ta mới có cơ hội thực sự trong việc phát triển trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ bền vững”.
Tại sự kiện, bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, chia sẻ hiện việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn với chu kỳ rừng trồng 7 năm trở xuống gặp rất nhiều khó khăn, do các hộ gia đình và công ty lâm nghiệp thiếu vốn đầu tư. Bà Tuyết kiến nghị Nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho người trồng rừng, có cơ chế cho vay vốn cho các công ty lâm nghiệp và hộ gia đình để trồng rừng gỗ lớn; quản lý chặt chẽ hành trình, nguồn gốc giống cây lâm nghiệp trước khi đưa vào ươm giống xuất bán ngoài thị trường…
Để đạt được mục tiêu trồng rừng đảm bảo nguyên liệu gỗ cho sản xuất đồ gỗ, các đại biểu đã thống nhất nhiều giải pháp cần phải thực hiện trong 5 năm tới. Đó là, đẩy mạnh việc áp dụng kỹ thuật trồng rừng thâm canh, nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, ưu tiên phát triển giống được sản xuất từ cây mô, hom để trồng rừng sản xuất.
Muốn giữ vững lợi thế cạnh tranh của ngành gỗ phải chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu trong nước là vấn đề cấp thiết được đặt ra tại Hội nghị. Nhu cầu của ngành về gỗ rừng trồng có chất lượng, bền vững là lớn. Việt Nam có tiềm năng trong việc phát triển nguồn nguyên liệu này.
Lê Hoàng