Vietstock - Cần kéo dài các chính sách hỗ trợ thuế, lãi vay
Việc giảm phí, lệ phí kéo dài qua giữa năm 2022 chưa đủ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Giảm phí, lệ phí chưa đủ
Tại thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái ngày 15.11, Văn phòng Chính phủ cho biết lãnh đạo Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc tiếp tục kéo dài thời gian hết 6 tháng đầu năm 2022 đối với các khoản phí, lệ phí đã giảm năm 2021, đồng thời chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ tiếp tục rà soát, điều chỉnh giảm phí, lệ phí khác để hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2022. Chính phủ cũng cho phép Bộ Tài chính ban hành các thông tư giảm phí, lệ phí theo trình tự, thủ tục rút gọn, có hiệu lực thi hành ngay để kịp thời hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch. Trong năm 2020 và 2021, một số phí, lệ phí được giảm từ 10 - 50% ước giảm thu ngân sách khoảng 3.000 tỉ đồng.
Cần giảm thuế, phí, lệ phí trong năm 2022 để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. NGỌC THẮNG |
Thế nhưng điều người dân, doanh nghiệp (DN) chờ đợi không chỉ là kéo dài thời gian giảm phí mà là kéo dài thời gian giảm, giãn, hoãn thuế thì mới thực sự giúp ích cho họ. Cụ thể, Nghị định 52 đã giãn, hoãn thuế cho các DN là 115.000 tỉ đồng, Nghị định 92 đã giảm 21.300 tỉ đồng...
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng phí, lệ phí chỉ là mức nhỏ mà ít DN được hưởng. Quan trọng là miễn, giảm thuế như thế nào để nền kinh tế mau sớm hồi phục trong năm 2022. Những chính sách hỗ trợ thuế trong năm 2021 đã được toàn diện hơn năm 2020 như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT) cũng được giảm 30%, tiền thuê đất cho đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19...
Thế nhưng, chính sách chỉ kéo dài vài tháng chưa đủ hỗ trợ DN, người dân vực dậy sau đợt ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4. Do đó, cần thêm thời gian hỗ trợ dài hơn qua đến giữa năm 2022.
Trong trường hợp nhà nước muốn DN “bật dậy” hơn nữa thì cần mở rộng các đối tượng, lĩnh vực được hưởng mức giảm thuế. Chẳng hạn, chính sách giảm 30% thuế TNDN hiện tập trung vào DN vừa và nhỏ có doanh thu 200 tỉ đồng thì có thể tăng lên DN có doanh thu 300 - 500 tỉ đồng. Hay giảm thuế GTGT mở rộng thêm các lĩnh vực đều được giảm thay vì chỉ những lĩnh vực bị ảnh hưởng.
Điều này sẽ kích thích tiêu dùng khi người mua trả tiền ít hơn, lúc đó thúc đẩy sản xuất thì giá thành mới giảm. Khi DN hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn, có lợi nhuận mới đóng thuế. Ngoài ra, có thể kéo dài các chính sách hỗ trợ từ năm 2021 sang năm 2022 như miễn tiền chậm nộp, giảm tiền thuê đất… “Chỉ còn 6 tuần nữa kết thúc năm 2021 nên nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết cho việc miễn, giảm thuế để áp dụng cho đầu năm 2022 thì vẫn kịp”, ông Trần Xoa cho hay.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean và là Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho rằng việc kéo dài thời gian hỗ trợ trên khi nhiều DN vẫn còn chưa thể hồi phục ngay sau ảnh hưởng của đợt dịch lần 4 tại VN là rất cần thiết.
Nhưng theo ông Việt, các DN, đặc biệt là số DN nhỏ và siêu nhỏ vẫn cần Chính phủ hỗ trợ thêm về nhiều cơ chế để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn nữa. Ông ví dụ, hiện nay khi các DN may nhận nguyên phụ liệu từ đối tác nước ngoài, sản xuất có thành phẩm và xuất đi để hưởng tiền gia công thì không phải đóng thuế xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, khi DN mua nguyên phụ liệu trong nước để tự lên mẫu, làm hàng xuất khẩu thì phải đóng tạm ứng thuế nhập khẩu tại chỗ với thuế suất 12%. Sau khi DN xuất hàng ra khỏi VN mới được làm thủ tục hoàn lại số thuế nói trên. Ví dụ ở Công ty Việt Thắng Jean, mỗi tháng xuất khẩu khoảng 15 container với tổng trị giá nguyên phụ liệu hơn 70 tỉ đồng thì phải tạm đóng thuế nhập khẩu tại chỗ hơn 8 tỉ đồng. Trong khi đó, để chờ được hoàn lại tiền thì nhanh nhất là 4 tháng và lâu nhất có khi đến 2 năm.
“Quy định này không khuyến khích DN may tự làm hàng xuất khẩu mà chỉ đi gia công, nhất là với các DN nhỏ với nguồn vốn không lớn thì càng khó hơn. Mong Chính phủ xem xét có những cơ chế hỗ trợ DN mang tính dài hạn cũng như chương trình kích cầu thị trường để đẩy mạnh tiêu dùng, sản xuất nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh hơn”, ông Việt nói.
Cần gói hỗ trợ thuế toàn diện
Phó giáo sư Nguyễn Hồng Thắng, Trưởng bộ môn tài chính công, Khoa Tài chính công, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng tình hình DN còn khó khăn nên nếu được thì có thể duy trì các chính sách hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn thuế như đã thực hiện thời gian qua. Ngân sách nhà nước hiện nay cũng cần nguồn để chi cho nhiều thứ. Tỷ lệ bội chi lên trên 4% GDP, nếu muốn có tiền bằng cách nới trần nợ công để đi vay thì cũng cần tính toán vay lãi suất nào, bởi thế hệ sau sẽ phải trả lãi. Hơn nữa, bội chi ngân sách sẽ tác động đến lạm phát và lãi suất nên cần tính toán kỹ.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, quan trọng hơn là Chính phủ phải đẩy nhanh việc ban hành gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô đủ lớn, tương đương khoảng 10% GDP mới có hiệu quả cao hơn. Những gói hỗ trợ trước đây đã thực hiện với quy mô nhỏ và giải ngân quá chậm, thủ tục phức tạp.
Vì vậy TS Doanh nhấn mạnh: Cần mở một cổng thông tin chung quy định rõ các điều kiện để DN, người dân được hỗ trợ như thế nào? Người phụ trách việc tiếp nhận ở mỗi địa phương… Từ đó, người dân và DN chỉ cần truy cập cổng thông tin này là sẽ có đầy đủ thông tin cũng như thực hiện đăng ký, tránh thủ tục lòng vòng. “Gói hỗ trợ này vẫn còn đang được các bộ ngành thảo luận, nhưng Chính phủ phải quyết liệt ban hành càng sớm càng tốt vì phải đưa ra xin ý kiến phê duyệt từ Quốc hội do liên quan đến ngân sách. Nhiều quốc gia đã có những chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế rất lớn từ năm 2020 đến nay”, TS Lê Đăng Doanh nói.
“Chính phủ cũng đang thúc đẩy đầu tư công, từ đó mở đường cho kinh tế tư nhân gia tăng đầu tư và thúc đẩy thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. Mọi việc đều cần phải thực hiện nhanh hơn nữa, nhất là gói hỗ trợ kinh tế toàn diện chung cho nền kinh tế thực hiện trong 1 - 2 năm tới vì DN và người dân đều cần”. TS Lê Đăng Doanh |
Mai Phương