Vietstock - Cần gia hạn thêm thời gian nộp thuế
Đợt dịch Covid-19 lần 2 vừa “êm êm” thì các doanh nghiệp bắt đầu lo nguồn tiền để đóng thuế, bởi gói hỗ trợ thuế lần 1 sắp đến giờ hết hạn.
Cần gia hạn thời gian nộp thuế dài hơn để hỗ trợ doanh nghiệp. ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Kéo dài thời gian giãn thuế
Theo quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP (NĐ41) gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thời gian gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 5 tháng. Các doanh nghiệp (DN) được gia hạn thuế GTGT tháng 3, vừa đã phải thực hiện nộp thuế vào ngân sách chậm nhất ngày 20.9.2020; còn thuế tháng 6 sẽ nộp vào ngày 20.12. Riêng đối với DN thực hiện nộp thuế theo quý, thì số thuế phát sinh quý 1 nộp chậm nhất vào ngày 30.9; số thuế quý 2 nộp chậm nhất ngày 30.12.
Cũng là thuế thu nhập, DN đã được giảm thì cũng nên xem xét giảm cho cá nhân từ 30 - 50% số thuế hoặc tính giảm theo số tháng để kích cầu tiêu dùng. Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang |
Ngay thời điểm xây dựng NĐ41, Bộ Tài chính dự kiến số thuế hỗ trợ cho các DN lên 180.000 tỉ đồng, nhưng thực tế đến cuối tháng 8 chỉ khoảng trên 180.000 đối tượng được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất với hơn 56.000 tỉ đồng tiền thuế được gia hạn.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thuế, nhận xét giải pháp hỗ trợ nào cũng quý trong thời điểm dịch Covid-19, nhưng chính sách hỗ trợ giãn thuế vừa áp dụng được vài tháng thì dịch đợt 2 lại bùng ra vào tháng 7 khiến cả xã hội lao đao. Trong bối cảnh đó lại phải chuẩn bị tiền để đóng thuế thì rất khó cho DN. Vì vậy, cơ quan chức năng nên xem xét gia hạn thêm thời gian nộp thuế cho họ. “Số tiền hỗ trợ giãn thuế chỉ mới có 1/3 so với tính toán ban đầu. Giãn thuế thì DN được chậm nộp mà không bị tính phí nên dư địa vẫn còn lớn. Vì vậy, nên kéo dài chính sách hỗ trợ thuế đến hết năm 2021, ít lắm thì cũng tháng 6.2021. Trong trường hợp khẩn cấp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua sớm”, ông Tú nói.
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang nhận định: Qua 2 đợt dịch Covid-19, không khí kinh doanh của các DN rất trầm lắng, kể cả các DN lớn, các ngân hàng cũng sụt giảm mạnh về hoạt động. Chính sách giãn thuế chưa kịp phát huy tác dụng hỗ trợ DN trong mùa dịch thì đợt dịch 2 đã đến nên cần có một gói hỗ trợ mạnh hơn để DN có thể phục hồi. Ông Trần Xoa kiến nghị, đối với những khoản thuế nộp trong tháng 3, 4, 5 thì cần cho kéo dài đến ngày 30.12.2020; còn thuế tháng 7, 8, 9 thì kéo qua đến ngày 30.6.2021. “Tháng 10 tới, Quốc hội sẽ họp trực tuyến và tháng 11 họp ở nghị trường. Chính vì vậy, hiện nay cần có bước chuẩn bị để có thể hỗ trợ DN sớm, chứ không tình hình kinh doanh của DN hiện rất khó khăn”, ông Xoa nói.
Giảm thuế thu nhập cá nhân, kích tiêu dùng
Ngoài việc gia hạn thuế, vấn đề quan trọng hiện nay là các DN đang lo về thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Do xuất khẩu đang gặp khó, nhiều DN chuyển hướng vào thị trường nội địa. Nên ngoài việc gia hạn thuế, các chuyên gia cũng cho rằng cần có gói hỗ trợ mạnh hơn nữa để kích thị trường. Ông Nguyễn Ngọc Tú cho rằng gói hỗ trợ thuế thứ 2 tập trung vào thúc đẩy phát triển, nghĩa là DN nào còn tồn tại thì kích phát triển, kích thích tiêu dùng. Trong đó, kích thích tiêu dùng quan trọng hơn. Để đạt được 2 mục tiêu, cần triển khai gói hỗ trợ mạnh hơn, trước mắt là giảm chi phí đầu vào cho DN. Cụ thể, quy định giảm thuế thu nhập DN 30% hiện nay không nên “gò” vào DN có doanh thu dưới 200 tỉ đồng mà nên mở rộng cho hết các DN. Những DN nào hiện nay còn lãi để thu thuế đều cần sự hỗ trợ mới có cơ hội phục hồi. Còn thuế GTGT nên kiến nghị giảm 50% so với mức thuế suất đang áp dụng hiện nay, từ 10% xuống còn 5%. Bởi đối với những lĩnh vực gặp khó khăn như hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn..., việc giảm thuế GTGT sẽ giúp các DN giảm được chi phí, kích thích tiêu dùng.
“Một gói kích thích tiêu dùng không kém phần quan trọng đã được đề cập gần đây, đó là giảm thuế thu nhập cá nhân của năm 2020, có thể cắt giảm 30 - 50% số thuế phải nộp để người lao động tăng chi tiêu. Ở đây, chúng ta chỉ mới đề cập đến các gói giải pháp hỗ trợ DN mà người tiêu dùng vẫn chưa có chính sách nào kích thích họ. Điều này cần làm sớm để tăng sức mua trên thị trường, đó cũng là làm gia tăng hoạt động sản xuất”, ông Tú nói.
Ông Trần Xoa góp ý thêm, cần sớm ban hành hướng dẫn việc giảm thuế 30% đối với DN, giảm thuế suất thuế thu nhập DN 15 - 17%... để quy định sớm đi vào cuộc sống. Ngoài ra, số lượng hộ kinh doanh hiện nay lên đến 5 triệu hộ nên cần có chính sách hỗ trợ họ ngay lập tức, thay vì đợi doanh thu giảm 50% mới được phép xin giảm thuế như quy định hiện hành.
Thanh Xuân