Vietstock - 'Cái giá' của ổn định tỷ giá
Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng là một vấn đề “nhạy cảm” ở Việt Nam. Những giai đoạn tỷ giá căng thẳng theo hướng tiền đồng suy yếu so với đô la Mỹ, mọi sự tập trung, của dư luận và của chính sách, đều dồn vào khía cạnh liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có “ổn định” được tỷ giá – tức giữ tỷ giá không tăng mạnh – hay không.
Lý do được viện dẫn để kêu gọi, ủng hộ nỗ lực ổn định tỷ giá chủ yếu là lợi ích trước mắt của chúng, gồm ngăn không cho nợ quốc gia, đặc biệt là nợ công, tăng lên, cũng như giảm thiểu nhập khẩu lạm phát. Bên cạnh đó, tác động tích cực của tỷ giá tăng (tiền đồng mất giá) lên cán cân xuất nhập khẩu bị coi nhẹ, thậm chí hiểu sai.
Tiền chạy từ túi này sang túi kia
Về tác động của tỷ giá lên nợ nói chung và nợ công nói riêng, đúng là các con nợ có vay mượn bằng ngoại tệ, bất kể đó là Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân, đều được hưởng lợi nếu tỷ giá không tăng lên (tiền đồng không mất giá). Tuy nhiên, cái giá phải trả cho sự ổn định này thì hầu như không được biết đến hoặc được ai quan tâm.
Không phải tự nhiên mà NHNN có thể giữ ổn định được tỷ giá. Công cụ ổn định tỷ giá, mang tính kinh tế, mà NHNN có thể thực hiện là bán đô la can thiệp hoặc giảm bớt lượng tiền đồng lưu thông trong nền kinh tế.
Với kênh bán đô la can thiệp, cái giá nhãn tiền là quỹ dự trữ ngoại hối đã hao hụt trên chục tỉ đô la chỉ trong mấy tháng qua và con số bán ra can thiệp là rất đáng kể so với giá trị quỹ dự trữ ngoại hối chừng trên 100 tỉ đô la, một con số khá khiêm tốn, nằm không quá xa ngưỡng an toàn tối thiểu so với kim ngạch nhập khẩu quốc gia.
Với kênh hút tiền đồng về, cái giá phải trả là mặt bằng lãi suất (tiền đồng) tăng lên, đẩy các ngân hàng thương mại vào cuộc đua lãi suất không hồi kết nếu nền kinh tế tiếp tục mở rộng.
Không phải tự nhiên mà NHNN có thể giữ ổn định được tỷ giá. Công cụ ổn định tỷ giá, mang tính kinh tế, mà NHNN có thể thực hiện là bán đô la can thiệp, và/hoặc giảm bớt lượng tiền đồng lưu thông trong nền kinh tế. |
Cả hai kênh nói trên tuy giữ được tỷ giá ổn định ở một mức độ nào đó, và là điều có lợi cho các con nợ bằng ngoại tệ, nhưng lại gây phương hại cho Nhà nước khi quỹ dự trữ ngoại hối bị hao hụt mạnh, ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia. Nó cũng gây phương hại cho toàn bộ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế khi lãi suất tăng cao dẫn đến chi phí vay mượn bằng tiền đồng tăng mạnh, làm giảm doanh thu và lợi nhuận.
Nói cách khác, ổn định tỷ giá thực chất là lấy tiền của cộng đồng để trợ cấp cho một nhóm nhỏ đối tượng. Điều phi lý này phần nào có thể được chấp nhận nếu nợ quốc gia bằng ngoại tệ chủ yếu là nợ công, hoặc ở mức độ kém thuyết phục hơn, là nợ của doanh nghiệp nhà nước (dẫu sao cũng có chữ “nhà nước”).
Nhưng vì điều này là không đúng nên rốt cuộc nó có nghĩa là tiền đang được chuyển từ túi công cộng sang túi của thậm chí cả tư nhân (lưu ý rằng nhiều doanh nghiệp nhà nước chỉ có một phần vốn nhà nước).
Nhập khẩu lạm phát nhiều khi chỉ là con ngáo ộp
Nhập khẩu lạm phát là một lý do chủ yếu khác của bên ủng hộ ổn định tỷ giá. Thực tế thì trong nhiều giai đoạn tỷ giá tăng mạnh, lạm phát không vì thế mà bộc phát, và ngược lại. Điều quan trọng là chính sách tiền tệ của NHNN được điều hành theo xu hướng nào, và nó mới là động lực chính quyết định xu hướng của lạm phát sẽ đi về đâu.
Hiện tại, trong bối cảnh lạm phát cao đang lan tràn ở nhiều nước trên thế giới, đi kèm với sự sụt giá của nội tệ của họ, không thấy có mấy nước chống lạm phát bằng cách bán ngoại tệ để “ổn định” tỷ giá bản tệ nhằm hạ lạm phát trong nước.
Thay vào đó, trào lưu chung chỉ là thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách nâng lãi suất cho vay từ các ngân hàng trung ương. NHNN thực chất cũng đang đi theo xu hướng này thông qua nâng mạnh lãi suất cho vay trên thị trường mở và lãi suất tín phiếu ngân hàng, cho dù cố tránh một động thái chính thức là công bố các mức lãi suất điều hành mới.
Tác động tích cực của tỷ giá tăng lên xuất khẩu vẫn bị hiểu sai… kinh niên!
Có một điều rất lạ là tác động kích thích xuất khẩu của đồng bản tệ yếu vẫn luôn bị hiểu sai, cho dù dư luận đã tốn rất nhiều giấy mực. Vẫn có nhiều chuyên gia, học giả cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải nhập nguyên vật liệu bằng đô la nên dù được lợi về giá xuất khẩu (quy ra tiền đồng) thì lại bị thiệt về chi phí (cũng quy ra tiền đồng). Có vị chuyên gia còn “chi ly” hơn khi cho rằng doanh nghiệp vẫn phải sử dụng các dịch vụ bằng đô la như vận tải viễn dương, bảo hiểm… nên các chi phí loại này cũng tăng lên.
Xin nhắc rằng chừng nào trong cấu phần chi phí của một sản phẩm nào đó sản xuất tại Việt Nam, được xuất đi thị trường thế giới theo giá đô la, có dù chỉ 1% là chi phí cho nguồn lực sử dụng tại Việt Nam, bằng tiền đồng, và chừng nào giá bán sản phẩm này bằng đô la không thay đổi tại thị trường nó được xuất khẩu đi thì chừng đó doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn được lợi khi tiền đồng mất giá, bởi: Doanh thu (không đổi, nếu tính bằng đô la) – Chi phí (không đổi, nếu tính bằng đô la) = Lợi nhuận (lớn hơn, nếu tính bằng đô la sau phá giá bản tệ, và sẽ lớn hơn nữa, nếu tính bằng tiền đồng).
Bằng số, giả sử trong một cái áo sơ mi xuất khẩu có giá bán 100 đô la, chi phí các loại là 98 đô la và 10.000 tiền đồng. Lợi nhuận tại tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng=20.000 là 100 – 98 – 10.000/20.000 = 1,5 đô la (hoặc 30.000 đồng). Khi tỷ giá tăng lên 22.000, lợi nhuận mới sẽ là 100 – 98 – 10.000/22.000 = 1,545 đô la (hoặc 34.000 đồng), tức tăng lên gần 0,05 đô la (hay 4.000 đồng) so với trước khi tiền đồng mất giá.
Lưu ý trong ví dụ trên là giá bán và chi phí bằng đô la là không thay đổi và thường là điều phù hợp trên thực tế tại thời điểm trước và sau phá giá bản tệ, chứ không có chuyện chi phí (giá thành) lại tăng lên như nhiều người diễn giải. Chi phí/giá thành có tăng lên chỉ là khi tính theo tiền đồng mà thôi.
Phan Minh Ngọc