Vietstock - Cắt vốn nếu giải ngân chậm ?
Trước sức ép giải ngân vốn đầu tư công trong 2 tháng cuối năm, Chính phủ đang tính đến các phương án “mạnh tay” đối với những đơn vị chậm trễ, trì hoãn tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tuyến metro số 1 của TP.HCM (HM:HCM) cũng gặp khó khăn về giải ngân vốn. ảnh: ngọc dương
|
Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 8 tháng và ước thực hiện tháng 9.2020. Tính hết ngày 30.9, chỉ có 8 bộ, cơ quan T.Ư và 23 địa phương ước tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%. Dù chỉ còn 2 tháng là kết thúc năm 2020 nhưng vẫn còn tới 11 bộ, cơ quan T.Ư và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.
Cắt giảm vốn của đơn vị đạt dưới 60% kế hoạch
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có một số nguyên nhân khách quan chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đó là những vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng tái định cư, chưa được sự đồng thuận của người dân dẫn đến tình trạng khiếu kiện ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Áp lực cắt giảm vốn các đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 60% sẽ khiến cả Chính phủ cũng như nhiều bộ ngành, địa phương gặp khó khăn. Tuy nhiên, đó cũng là động lực để các đơn vị thực hiện đúng thời hạn PGS-TS Đinh Trọng Thịnh |
Ngoài ra, Nghị định 56 về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài hiệu lực thi hành từ 25.5 có nhiều quy định thay đổi, đặc biệt là quy trình điều chỉnh hiệp định vay nên các bộ, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án. Tác động của đại dịch Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Cụ thể, với các dự án sử dụng vốn trong nước, một số bộ, ngành, địa phương không có nhu cầu sử dụng, đang đề nghị trả lại vốn như Ủy ban Quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban Dân tộc, Bộ GD-ĐT, Bộ KH-ĐT... Một số dự án được bổ sung vốn từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng chưa được cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch trung hạn nên chưa đủ điều kiện phân bổ hoặc mới được Thủ tướng giao, chưa kịp phân bổ. Chưa kể một số dự án đang trong thời gian hoàn thiện thủ tục, mới được phê duyệt chưa kịp giao kế hoạch, dự án đang chờ Bộ KH-ĐT điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn...
Với vốn ngoài nước, một số dự án đến năm 2019 mới được giao kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 nên phải chuyển một số hạng mục sang giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện do không kịp thực hiện chuẩn bị các thủ tục đầu tư và đề nghị chuyển dự toán cho các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương khác như Bộ NN-PTNT...
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát... ở cơ sở còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu; chủ đầu tư chậm trễ trong việc trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình, dự án; chậm trễ trong lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng…
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30.9 dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách T.Ư đã được giao từ đầu năm 2020.
Nguồn vốn cắt giảm sẽ để điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư nguồn ngân sách T.Ư năm 2020 và các dự án khẩn cấp như ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trong tháng 10.2020.
Địa phương cũng chủ động cắt, chuyển vốn
Là địa phương có tỷ lệ đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, TP.HCM cũng đang dốc sức kích hoạt rất nhiều dự án công để làm mồi hồi phục kinh tế. Dù đã cải thiện so với những năm trước, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM tới nay vẫn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
6 bộ, cơ quan T.Ư và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 70% gồm: Liên minh Hợp tác xã VN (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (95,32%), Hội Nhà văn VN (93,59%), Bộ Nội vụ (87,67%), Viện Khoa học xã hội VN (73,49%), Thông tấn xã VN (70,06%); Hưng Yên (87,73%), Ninh Bình (82,46%), Thái Bình (79,5%), Hà Nam (71,15%), Tiền Giang (70,96%), Phú Yên (70,85%) |
TP đang triển khai 1.643 dự án đầu tư công với tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2020 là 42.139 tỉ đồng. Tính đến ngày 15.8, tỷ lệ giải ngân mới đạt hơn 55% kế hoạch. Còn nhiều đơn vị giải ngân chậm như UBND Q.2 chỉ mới giải ngân đạt 47%; H.Nhà Bè, Q.5, Q.9 chỉ 46%; Q.4 mới giải ngân 31%... Đáng chú ý, ở khối sở - ban - ngành, hết 6 tháng đầu năm, có đến 10 đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công là 0% như Ban Quản lý khu công viên lịch sử văn hóa dân tộc, Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, Công ty công viên phần mềm Quang Trung... Nhóm sở ngành giải ngân thấp là Sở Xây dựng (0,4%), Sở TN-MT (0,3%), Bộ Tư lệnh TP (0,5%), Công an TP (7,5%)...
Khối lượng giải ngân còn tồn đọng của TP.HCM đang trông đợi rất lớn vào tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm như các tuyến vành đai 2, 3, 4... Song tiến độ triển khai đến nay vẫn rất chậm trễ.
Cụ thể, tuyến vành đai 2 mới chỉ khép kín 50,2/64,1 km, vành đai 3 mới đầu tư được 16,3/89,3 km (đạt tỷ lệ 18%) và vành đai 4 vẫn chưa được xây dựng. Hai dự án sử dụng vốn vay ODA là tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng đang gặp khó: Tuyến metro số 1 gặp vướng mắc liên quan xác định vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách T.Ư, trong khi tuyến metro số 2 đang chật vật gỡ vướng giải phóng mặt bằng.
Theo UBND TP.HCM, bồi thường giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân chính khiến các dự án chậm giải ngân. Trong đó, thủ tục phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất chậm do các đơn vị phải làm việc với từng sở; vướng phê duyệt giá bồi thường và giá tái định cư vì phải chờ đợi nhiều sở ngành... Điển hình, Q.9 có 38 dự án dở dang do vướng giá bồi thường và giá tái định cư; Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM có 28 dự án đang đợi mặt bằng, 29 dự án đang thi công nhưng vẫn còn vướng mặt bằng, chiếm đến 75% trong tổng số 75 dự án mà đơn vị này đang quản lý. Nếu tính tổng số lượng tất cả các dự án giao thông trên địa bàn TP hiện nay, con số này phải lên tới hơn 80%.
Nhằm đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân trên 95% trong thời gian nước rút, từ đầu tháng 9, TP.HCM đã ban hành Chương trình hành động thực hiện trong 3 tháng cuối năm, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế.
Dự kiến bố trí ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương trong giai đoạn 2021 - 2025. ảnh: tư liệu - Đồ họa: Hồng Sơn
|
Tác động toàn hệ thống hành chính
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc các cơ quan, địa phương không dùng hết tiền phải cắt đi hoặc chuyển sang các đơn vị khác thực tế đã được đề cập từ lâu. Đó cũng là nguyên tắc trong quản lý đầu tư công và vấn đề này nên được thực hiện quyết liệt hơn để đồng tiền công được sử dụng hiệu quả hơn.
Thực tế, nhiều dự án từ khi giao chỉ tiêu, nhiều nơi không có kế hoạch triển khai khiến bao nhiêu thứ không được giải ngân, kéo dài từ năm nọ sang năm kia rất lãng phí. Nếu việc điều chuyển ngân sách nhà nước các dự án đầu tư công này làm cương quyết sẽ tạo được tiền lệ tốt cho các năm sau.
“Áp lực cắt giảm vốn các đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 60% sẽ khiến cả Chính phủ cũng như nhiều bộ ngành, địa phương gặp khó khăn. Tuy nhiên, đó cũng là động lực để các đơn vị thực hiện đúng thời hạn. Nếu làm được, không chỉ câu chuyện đầu tư công được giải quyết mà toàn bộ sự trì trệ, ách tắc cố hữu của hệ thống hành chính từ trước đến nay cũng sẽ được tác động, giải quyết”, ông Thịnh đánh giá.
Cũng theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, bộ, ban ngành trong việc thực thi dự án đầu tư công không có hiệu quả.
Nguyên Nga