Vietstock - Bộ Tài chính khẩn trương triển khai Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, Bộ Tài chính đã phân công, giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong bộ bắt tay vào tổ chức thực hiện và gắn với thời gian cụ thể. Theo thống kê, hiện có 18 nhiệm vụ Bộ Tài chính chủ trì, còn 13 nhiệm vụ Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phục hồi kinh tế-xã hội.
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính): Bộ Tài chính sẽ chủ trì 18 nhiệm vụ, còn 13 nhiệm vụ Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phục hồi kinh tế-xã hội - Ảnh:VGP |
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, để triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, đưa ra hàng loạt chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động… với tổng trị giá khoảng 350.000 tỷ đồng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đáng chú ý, để đốc thúc các bộ, ngành khẩn trương hơn nữa, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, trong đó có nội dung nhiệm vụ của Bộ Tài chính.
Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan triển khai việc giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ; khẩn trương trình Chính phủ việc gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022; đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, giảm tỉ lệ nợ đọng thuế; triển khai hóa đơn điện tử theo đúng lộ trình quy định; có giải pháp huy động nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội gắn với tiến độ triển khai các nhiệm vụ của Chương trình, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí; quản lý chặt chẽ các nguồn thu, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi NSNN ngay từ khâu phân bổ…
Ông Nguyễn Minh Tân cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phân công, giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong bộ triển khai gắn với thời gian cụ thể và bắt tay vào tổ chức thực hiện.
Theo thống kê, có 18 nhiệm vụ Bộ Tài chính chủ trì, còn 13 nhiệm vụ Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai. Về tiến độ, có những nhiệm vụ cần phải làm và hoàn thành ngay trong quý I/2022, liên quan đến xây dựng thể chế như: Hướng dẫn thực hiện các chính sách miễn giảm thuế, gia hạn kéo dài thời gian nộp thuế, miễn thuế; phối hợp xây dựng hướng dẫn chính sách tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên mua máy tính; phối hợp với NHNN xây dựng chính sách khung tín dụng hỗ trợ cho các DN…
Song song với đó, có nhiệm vụ cần thực hiện liên tục với thời gian theo suốt chương trình như: Bảo đảm nguồn lực thực hiện chương trình; bám sát việc áp dụng các chính sách phục hồi triển khai trong thực tế, để kịp thời có các phản ứng hoặc có báo cáo trong 2 năm 2022-2023.
Trên thực tế, Bộ Tài chính đã dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định về chính sách miễn, giảm thuế cho các DN hay các chính sách như cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022…
Ông Nguyễn Minh Tân cho biết, Bộ Tài chính cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) xây dựng các chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên vay mua máy tính, cấp bù lãi suất cho NHCSXH. Phối hợp tính toán nguồn lực để NHCSXH thực hiện phát hành trái phiếu trong nước để hỗ trợ các dối tượng chính sách.
Tuy nhiên, để triển khai các mục tiêu của Chính phủ cần có sự đóng góp trực tiếp và sâu sát của các bộ, ngành liên quan, kịp thực hiện các nhiệm vụ trình Chính phủ trong quý I/2022.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị trong bộ như: Vụ NSNN, Kho bạc Nhà nước, lên phương án đáp ứng nhu cầu chi cho chương trình, bảo đảm không để ảnh hưởng tính thanh khoản trong mọi tình huống.
Bộ Tài chính cũng đang nỗ lực tận dụng dư địa, tăng hiệu quả quản lý thu, khai thác nguồn thu tại địa bàn có điều kiện; tăng cường hiệu quả khai thác quản lý thu, tận dụng dư địa tăng thu NSNN, nhất là dư địa thu đối với các giao dịch số xuyên biên giới và các dịch vụ nền tảng số… Ở chiều ngược lại, Bộ Tài chính cũng triển khai nhiệm vụ về tiết kiệm chi, quản lý chi tiêu thường xuyên; cắt giảm khoản chi không thật sự cần thiết, giành thêm các nguồn lực cho chương trình phục hồi kinh tế.
Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, rà soát các quỹ tài chính ngoài NSNN, bảo đảm thực hiện hợp lý tối đa phù hợp với tiến độ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế.
"Hy vọng với các giải pháp đang triển khai, Bộ Tài chính sẽ góp phần đưa Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ nhanh chóng đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả trong việc phục hồi kinh tế-xã hội", đại điện Bộ Tài chính nói.
Huy Thắng