Vietstock - Bộ Tài chính đề nghị sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13).
Tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước đúng mục đích, đúng đối tượng
|
Bộ Tài chính cho biết, ngày 26/11/2014, Quốc hội ban hành Luật số 69/2014/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015. Sau hơn 6 năm thực hiện, Luật số 69/2014/QH13 tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được xây dựng đồng bộ phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, cơ cấu lại DNNN; các cơ chế, chính sách đã tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có thay đổi. Quá trình triển khai thực hiện Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn qua rà soát cho thấy đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại DNNN trong thời gian tới.
Do vậy, cần thiết phải xây dựng Luật 69/2014/QH13 (sửa đổi) với các chính sách mới nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm cho việc phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; tăng cường công tác quản lý, giám sát việc sử dụng vốn Nhà nước đúng mục đích, đúng đối tượng.
Quy định mới về chuyển nhượng vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp
Đối với việc chuyển nhượng vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp: Luật số 69/2014/QH13 quy định phương thức chuyển nhượng vốn và các nguyên tắc chuyển nhượng vốn.
Thực tế thời gian qua phương thức chào bán cạnh tranh là phương thức chào bán cạnh tranh về giá để tiếp tục thực hiện chuyển nhượng vốn thực chất là bán đấu giá công khai.
Các doanh nghiệp có vốn góp cần chuyển nhượng vốn cơ bản được hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trước đây chưa quy định bắt buộc phải có phương án sử dụng đất được phê duyệt trước khi cổ phần hóa mà cho doanh nghiệp xây dựng, trình duyệt phương án sử dụng đất, đồng thời với quá trình cổ phần hóa nên dẫn tới khi chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần có trường hợp phương án sử dụng đất chưa được duyệt.
Do vậy, dự thảo đề xuất: Bãi bỏ phương thức “chào bán cạnh tranh”. Giá khởi điểm phải do tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định ngoại trừ trường hợp tỷ lệ Nhà nước đang nắm giữ dưới 36% vốn điều lệ và giá trị vốn Nhà nước nắm giữ trong vốn điều lệ phải chuyển nhượng dưới 10 tỷ đồng, thì cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định giá khởi điểm không thấp hơn giá trị thực của phần vốn góp phải chuyển nhượng trên báo cáo tài chính gần nhất với thời điểm chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước.
Bổ sung nguyên tắc quy định: Yêu cầu rà soát lại toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp đang quản lý sử dụng để hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý về đất đai, quản lý, giám sát chặt chẽ đối với đất được chuyển đổi mục đích thực hiện đấu giá đất theo quy định của Luật Đất đai. Thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất, nộp tiền thuê theo quy định của pháp luật, cũng như việc tính toán giá trị quyền sử dụng đất giao trong giá khởi điểm chuyển nhượng vốn.
Phương án này có tác động tích cực là đẩy nhanh tiến trình thực hiện cổ phần hóa, sớm chuyển đổi thành công ty cổ phần, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tăng khả năng huy động vốn để phát triển doanh nghiệp.
Phân phối lợi nhuận sau thuế - quỹ khen thưởng phúc lợi
Vấn đề bất cập là theo quy định hiện hành, việc trích quỹ khen thưởng phúc lợi tối đa 3 tháng lương thực hiện đối với doanh nghiệp xếp loại A; 1.5 tháng lương thực hiện đối với doanh nghiệp xếp loại B; 1 tháng lương thực hiện đối với doanh nghiệp xếp loại C; doanh nghiệp không thực hiện xếp loại thì không được trích.
Thực tế nhiều doanh nghiệp có số lượng cán bộ, công nhân viên lớn, doanh thu, lợi nhuận... của doanh nghiệp đảm bảo theo đánh giá xếp loại nên số dư của 2 quỹ này tại doanh nghiệp tương đối lớn (trong khi lợi nhuận còn lại để nộp về ngân sách Nhà nước là không đáng kể và không phản ánh đúng quy mô, cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp). Mặt khác, theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành cho phép tổng số chi có tính chất phúc lợi không quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Vì vậy, dự thảo đề xuất giải pháp: Điều chỉnh theo hướng doanh nghiệp trích tối đa không quá 2 tháng lương thực hiện trên cơ sở hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, riêng các doanh nghiệp quốc phòng an ninh sẽ được Nhà nước hỗ trợ đảm bảo mức trích này.
Phương án này sẽ giúp quản lý hiệu quả, chặt chẽ cũng như đảm bảo an sinh xã hội, khuyến khích khen thưởng kịp thời người lao động, tăng cường động viên ngân sách Nhà nước.
Nhật Quang