Vietstock - Bộ KH&ĐT đề xuất 8 nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công thời gian tới
Để thúc đẩy hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ KH&ĐT đề xuất 8 giải pháp triển khai kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia diễn ra sáng 26/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm chưa như kỳ vọng (ước đạt 46.7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) nhưng đã phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư, đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/9/2022 là 253,148.12 tỷ đồng. Đáng chú ý, số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34,597.2 tỷ đồng, tăng khoảng 16%.
Riêng vốn ngân sách Trung ương giải ngân 89,911 tỷ đồng, đạt 37,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2021 cả về số tuyệt đối 13,664 tỷ đồng và về tỉ lệ giải ngân (cùng kỳ năm 2021 đạt 37.01%).
Cũng theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46.70%), trong đó, 14 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
"Đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương này nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng giải ngân của đơn vị mình", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Nhận diện và phân tích khó khăn, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, đại diện lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết có khoảng 25 loại tồn tại, vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó phân thành 3 nhóm chính. Đó là: Nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, chủ yếu về lĩnh vực đất đai, tài nguyên-môi trường, xây dựng, đấu thầu…; khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong các nhóm trên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng là công tác tổ chức triển khai thực hiện.
8 nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công thời gian tới
Cho rằng các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần phải nỗ lực và có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ KH&ĐT đề xuất 8 giải pháp triển khai kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm.
Thứ nhất, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải quán triệt nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt triển khai các giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung đẩy mạnh giải ngân dự án trọng điểm bảo đảm thủ tục pháp lý, hiệu quả, chất lượng. Yêu cầu các bộ, địa phương tập trung giải ngân toàn bộ số vốn được giao, không đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2022 vì hiện nay không có đơn vị nào đề nghị bổ sung vốn năm 2022 nên không thể thực hiện điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư công.
Thứ hai, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm yêu cầu về thời hạn, chất lượng, khả thi theo quy định tại Nghị quyết số 124/NQ-CP.
Thứ ba, thực hiện nghiêm pháp luật về đầu tư công, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ.
Thứ năm, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (trước tháng 11/2022 theo Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ); rà soát ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, sắp xếp thứ tự ưu tiên khởi công mới các dự án trong năm 2023 bảo đảm tính khả thi về thủ tục đầu tư và giải ngân, hoàn thành một số dự án trọng điểm, tạo động lực mới phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương.
Thứ sáu, yêu cầu 4 cơ quan chủ dự án, nội dung thành phần thuộc 2 Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ, giải pháp hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai một số nội dung, dự án thuộc thẩm quyền được giao.
Thứ bảy, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là trong việc tham gia ý kiến về các nội dung liên quan đến công tác quản lý vốn đầu tư công (phân bổ, điều chỉnh, giao kế hoạch đầu tư công,...). Các ý kiến tham gia bảo đảm yêu cầu về chất lượng, yêu cầu về tiến độ để công tác quản lý kế hoạch đầu tư công được kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cuối cùng, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, nâng cao tính khả thi của các dự án để có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2023, tích cực giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, không để chậm trễ./.
Nhật Quang