Vietstock - Bộ Công Thương nói về sự cố ở thủy điện Rào Trăng 3
Theo Bộ Công Thương, từ năm 2016 đến nay, tất cả các dự án thủy điện nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên đều không được bổ sung trong quy hoạch.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: AH
|
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra chiều 16-10, nhiều vấn đề liên quan đến công tác vận hành hồ chứa cũng như sự việc đáng tiếc xảy ra tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã được báo chí đưa ra.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: AH
|
Ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, cho biết sự việc ở thủy điện Rào Trăng 3 là một tai nạn rất đáng tiếc.
"Chúng tôi rất xúc động và xin gửi lời chia buồn tới gia đình các chiến sĩ, các nạn nhân, các công nhân trong sự việc ở thủy điện Rào Trăng 3. Đây là sự cố gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản" - ông Quân nói.
Lý giải thêm về nguyên nhân gây ra sự việc đáng tiếc ở thủy điện Rào Trăng 3, ông Quân cho biết ở Huế có rủi ro về tai biến địa chất rất lớn, có lượng mưa gần như lớn nhất cả nước.
"Từ ngày 6 đến 12,13-10, riêng tại Huế lượng mưa bình quân 1.500-2.000, tại A Lưới gần dự án này là 2.200 mm trong một tuần, tại Bạch Mã 2.500mm. Mưa rất lớn cộng với rủi ro địa chất rất lớn nên dẫn đến tai nạn rất nghiêm trọng" - ông Quân nói.
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, sau khi có Chỉ thị 13 của Bộ Chính trị thì tất cả các dự án thủy điện nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên đều không được bổ sung trong quy hoạch. Những dự án được bổ sung trong quy hoạch đều được kiểm soát rất chặt chẽ, rất kỹ các vấn đề liên quan đến rừng, đất.
"Từ năm 2017 đến nay, chúng tôi đã đề xuất và lãnh đạo Bộ Công Thương đã có chỉ đạo các địa phương không bổ sung dự án thủy điện nào dưới 30MW vào quy hoạch nữa. Từ đó đến nay các tỉnh không có đề xuất nào nữa, trước đây thì có nhiều" - ông Quân nói.
Thông tin về việc khu vực khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên Huế) có tới 4 dự án thủy điện, ông Quân cho rằng, trước đây, dự án này chỉ chiếm một phần đất rừng, hiện tại, vấn đề này đã được giải quyết.
"Về nội dung ở Huế, rừng Phong Điền có liên quan đến dự án A Lin, trước đây có chiếm một số diện tích là đất rừng, bởi vì trước đây làm phương án còn nửa hở nửa ngầm, sau đó nhà đầu tư đã hoàn toàn chuyển các tuyến dẫn nước bằng đường hầm. Theo tôi biết từ 2016 đến nay tất cả các dự án liên quan đến rừng tự nhiên phải báo cáo Chính phủ, Chính phủ đồng ý mới được thực hiện".
A.HIỀN